Thi vào lớp 10 khó hơn cả thi đại học

Thi vào lớp 10 khó hơn cả thi đại học

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 24 vào hôm 12-7. Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói vấn đề thi vào lớp 10 đang gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận và tạo áp lực với học sinh.

Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo bà Nga, thi vào lớp 10 hiện nay khó hơn cả thi vào đại học và đề nghị Ủy ban Văn hóa – Giáo dục vào cuộc, xem xét có phải do thiếu trầm trọng trường công cấp III và giải quyết tình trạng này thế nào”, bà Nga nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Trong đó, số lượng trường THPT ít hơn THCS, học sinh từ lớp 9 lên lớp 10 được phân luồng bằng điểm thi. Ai điểm cao thì chọn vào các trường theo nguyện vọng, thấp hơn thì sang trường khác.

Ngoài ra, học sinh có thể theo học trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề và đi theo con đường khác.

Trong khi đó, trình bày báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tiếp tục nêu ý kiến về việc chậm hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp mà điển hình là Công ty An Phát.

Nhấn mạnh nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế VAT, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo, ông Thanh cho rằng nếu Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) không có hướng dẫn thì cả yêu cầu của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng “gần như không có giá trị gì”.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương mời Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng nêu rõ hướng xử lý việc chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Quá trình ông Hùng giải trình chưa đi đúng yêu cầu nên Phó chủ tịch Quốc hội nhắc nhở. “Bây giờ đang nói giải pháp của Chính phủ, Bộ Tài chính về giải quyết bức xúc nhất của doanh nghiệp liên quan hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn cứ đọng. Nếu anh không biết thì thôi”, ông Phương nêu rõ.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hỏi hiện nay tổng số tiền hoàn thuế chưa hoàn là bao nhiêu? Tuy nhiên, ông Hùng chưa có câu trả lời.

Ông Huệ nhấn mạnh hiện nay Quốc hội có nghị quyết chung, Chính phủ đã có chỉ đạo. Đây là trách nhiệm của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Quốc hội, Chính phủ không làm thay. Ông nêu rõ “doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn, tiền hoàn thuế là tiền của người ta còn không cho hoàn nữa, kéo dài mấy năm nữa thì mình làm doanh nghiệp mình có sống được không?”.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết 100% thông qua về nguyên tắc dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

Theo đó, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện phải sắp xếp từ đây đến năm 2025 là những nơi có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số dưới 70% quy định. Cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% quy định; cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% quy định.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết vừa qua Bộ Nội vụ làm việc với 63 tỉnh thành, rà soát và đưa ra phương án dự kiến sắp xếp 33 huyện, 1.327 xã đến năm 2025. Trong đó có khoảng 16 đơn vị cấp huyện ở đô thị và 400 đơn vị cấp xã ở đô thị phải sắp xếp.

Từ đó, Bộ Nội vụ cũng tính toán dự kiến số cán bộ công chức dôi dư tương ứng. Theo đó, số cán bộ lãnh đạo cấp huyện dôi dư khoảng 2.500 người; cấp xã khoảng 27.900 người, cán bộ không chuyên trách cấp xã khoảng 16.000 người.