Xôn xao vụ công ty tung bằng chứng nhân viên Gen Z đột nhập xoá dữ liệu sau khi bị đuổi việc

Xôn xao vụ công ty tung bằng chứng nhân viên Gen Z đột nhập xoá dữ liệu sau khi bị đuổi việc

Theo chia sẻ từ phía công ty, thiệt hại do 2 nhân viên trẻ này gây ra là rất lớn. Bài viết lên án cách hành xử sau nghỉ việc của những người mới đi làm đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Công ty “tố” nhân sự đi làm thiếu trách nhiệm, nghỉ việc thì quay sang “trả thù”

Mới đây, cư dân mạng đã bàn tán xôn xao về một bài đăng về mối quan hệ giữa công ty và nhân sự bị cho nghỉ việc. Được biết phía đăng bài là công ty H. (thương hiệu thời trang) và 2 nhân sự đã cho nghỉ việc là P.U và P.N (cả hai đều là sinh viên ở TP.HCM).

Tóm tắt sự việc theo bài đăng của công ty H. như sau:

– Công ty H. tuyển dụng P.U và P.N làm digital marketing part-time. Sau vài tháng làm việc, công ty quyết định chấm dứt thỏa thuận lao động vì cả 2 nhân sự không đạt hiệu quả công việc.

– Về P.U, nhân sự này bị cho nghỉ vì “giờ giấc làm việc không nghiêm túc, hay đi trễ và về sớm, liên tục trễ deadline, trưởng bộ phận liên hệ để giải quyết công việc đều không nghe máy, ảnh hưởng tới công việc tập thể”. Còn P.N bị cho nghỉ việc vì kết quả làm việc yếu, không có hiệu quả. Có thời điểm trong nửa tháng, nhân sự không hề thông báo cho công ty tiến độ công việc, sau đó quay lại trao đổi với trưởng bộ phận rằng bị mất điện thoại nên không liên lạc được. Khi đi làm, P.N thường xuyên thủ thỉ với đồng nghiệp chuyện bị bóc lột sức lao động, trong khi bản thân chưa đóng góp gì cho công ty mà vẫn được trả lương.

– Quy định lao động chung của công ty H là giữ 25 giờ lương gần nhất của nhân viên và chỉ thanh toán khi nhân sự hoàn thành xong thủ tục bàn giao công việc sau khi nghỉ việc. Nhưng P.U và P.N không thực hiện việc bàn giao, liên tục hẹn và hoãn đến 3 lần dù trưởng bộ phận đã liên hệ nhiều lần.

– Cuối cùng, giám đốc công ty yêu cầu lên bàn giao đầu việc cho nhân sự mới thì P.U và P.N từ chối với lý do “Khi vào công ty không ai bàn giao thì tại sao bây giờ nghỉ phải bàn giao cho người khác?”. Ngoài ra cả hai cũng cho rằng việc công ty giữ lương 25 giờ gần nhất cho đến khi bàn giao xong là bất hợp lý và cho rằng chỉ có công ty H. mới làm như vậy.

Tranh luận của P.U với công ty H. về chuyện giữ lương

– Từ 00:15 khuya đến 4:00 rạng sáng ngày 12/7/2023, P.U và P.N đã đăng nhập vào fanpage Facebook và Google Drive của công ty để xóa các dữ liệu. Cụ thể, P.U vào Facebook công ty xoá các bài đăng với lượng tương tác nhiều nhất, “những post mà công ty đã chi hàng chục tỷ đồng cho việc quảng cáo thông tin về sản phẩm đến khách hàng, ước tính xấp xỉ khoảng gần 300 bài đăng” . Sau khi xóa xong, P.U khoá chế độ tương tác trên fanpage công ty đồng thời tự xóa mình ra khỏi page. Với P.N, nhân sự này vào Google Drive của công ty và xóa toàn bộ thông tin, hình ảnh, dữ liệu liên quan đến các đại lý/CTV của công ty. Cả 2 trường hợp đều được phía công ty phát hiện và kiểm tra ngay sau đó.

Hoạt động của P.U và P.N đều được check lại

– Hiện tại phía công ty H. đã liên hệ với Facebook để hỗ trợ khôi phục các bài đăng bị P.U xoá nhưng nền tảng này chưa có chức năng khôi phục dữ liệu đã bị xoá khỏi thùng rác.

“Về mặt nghĩa vụ/trách nhiệm trong thỏa thuận lao động và chính sách chung của công ty, 2 bạn này đã không hoàn thành công việc đã được giao. Trong công việc không có sự chấp hành theo yêu cầu đề ra của công ty. Không chấp hành thực hiện đúng như quy định, thỏa ước lao động tập thể đã, thiếu tính kỉ luật, thiếu tính tuân thủ. Gây thiệt hại đến tài sản vật chất của công ty” – phía công ty H. nói.

Ngoài ra công ty H. cũng nhờ mọi người tư vấn hoặc đưa ra lời khuyên về cách xử lý. Đồng thời ở cuối bài đăng, công ty H. còn để lại rất nhiều lời nhắn đến những người trẻ sắp đi làm và bước vào con đường sự nghiệp.

“Ý thức và đạo đức công việc đều kém”

Ngay lập tức, bài đăng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Phần lớn ý kiến đều lên án hành động của 2 nhân sự này, cho rằng đây là điều không thể chấp nhận. Bên cạnh đó nhiều người còn khẳng định nếu chứng minh được tổn thất, công ty hoàn toàn có thể làm việc với cơ quan chức năng để yêu cầu đền bù:

– Công ty có thể chứng minh được tổn thất và thiệt hại vật chất thì nên đưa 2 bạn này ra pháp luật. Đây là vi phạm và gây tổn thất nghiêm trọng tài sản.

– Không biết năng lực làm việc ra sao nhưng ý thức và đạo đức quá kém!

– Đủ chứng cứ và chứng minh thiệt hại thì cty nên kiện để pháo luật xử lý. Nhiều người biết hơn để các bạn trẻ đi làm có “tâm” chút.

– Thiệt hại cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể khởi kiện ra toà. Đồng thời doanh nghiệp có báo về nơi đào tạo (nếu hai bạn này chưa tốt nghiệp) để xem xét vì 1 trong các tiêu chí rèn luyện của sinh viên có bao gồm việc không vi phạm pháp luật.

Hiện tại cư dân mạng vẫn đang để lại rất nhiều bình luận phía dưới bài đăng về sự việc.

Do đâu Gen Z đứng đầu danh sách bị đuổi việc?
Việc tuân thủ các quy định như tham gia cuộc họp đầy đủ, đi làm đúng giờ, ăn mặc chỉn chu, hoàn thành công việc đúng hạn… đều là trách nhiệm của người lao động khi đi làm.

Tuy nhiên hiện nay, một bộ phận giới trẻ lại không làm tròn nhiệm vụ này.

Các bạn trẻ liệu có đang thực hiện tốt công việc của mình hay không? (Ảnh: Perkins Asbill).

Theo một cuộc khảo sát của Resume Builder với hơn 1.300 chủ doanh nghiệp, 3/4 nhà quản lý nhận thấy, Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) là những người khó cộng tác và làm việc cùng nhất.

Đầu tiên, sự bất bình lớn nhất của cấp trên với thế hệ Z là chuyên môn không đạt yêu cầu. Việc không thực hiện đúng hoặc đầy đủ công việc sau khi trải qua thời gian đào tạo nhân viên mới có thể gây khó chịu cho các nhà quản lý.

Nhưng đó cũng là thách thức không kém đối với Gen Z. Do đó, không ít nhân viên trẻ cảm thấy áp lực so với đồng nghiệp lớn tuổi hơn khi gặp sự cố trong công việc.

Thứ hai, nếu người trẻ thường xuyên đi làm muộn hoặc xin nghỉ quá nhiều sẽ tạo gánh nặng cho chủ lao động và đồng nghiệp. Bởi họ phải sắp xếp, nhận thêm phần việc để kịp với tiến độ của công ty.

Khoảng 22% người sử dụng lao động tại Mỹ sa thải nhân viên vì đã viện cớ gọi điện báo ốm và 41% sa thải nhân viên vì đến muộn, theo Perkins Asbill.

Thứ ba, thông thường, công ty sẽ cho phép nhân viên sử dụng máy in để sao chép tài liệu cá nhân.

Tuy nhiên, việc Gen Z sử dụng đồ dùng văn phòng cho mục đích cá nhân hoặc “công việc phụ” có thể bị coi là hành vi trộm cắp. Điều đó khiến họ bị sa thải ngay lập tức.

Bên cạnh đó, Gen Z cũng là thế hệ đảm đương nhiều nghề cùng lúc để kiếm thêm thu nhập, theo Fortune.

Cuộc khảo sát với 3.400 người từ 11 quốc gia do Viện Lực lượng lao động Australia thực hiện cho thấy, hơn 1/4 (26%) Gen Z không tự tin khi đàm phán. Hơn nữa, 24% cho biết, họ chưa sẵn sàng làm việc nhiều giờ và 21% không muốn bị người khác quản lý.

Tuy nhiên, 32% Gen Z vẫn tin rằng, họ là thế hệ làm việc chăm chỉ nhất. Họ thừa nhận sẽ siêng năng hơn nếu công ty cho phép sắp xếp thời gian linh hoạt. Nhưng phần lớn nhà quản lý (65%) đưa Gen Z lên đầu danh sách sa thải trước bất kỳ thế hệ nào khác.

Có lẽ, việc đào tạo – duy trì người lao động ở thế hệ mới cần có những thay đổi thực tế và phù hợp hơn. Hơn hết, những người trẻ nên học hỏi, cải thiện để phát triển bản thân và đáp ứng được khối lượng công việc.