Chìa khóa giúp Ukraine lật ngược tình thế trong thời khắc đen tối nhất

Chìa khóa giúp Ukraine lật ngược tình thế trong thời khắc đen tối nhất

6 tháng sau khi khi ngăn chặn đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cung cấp gói hỗ trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson – người có thể một mình sắp xếp một cuộc bỏ phiếu trong Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, dường như đã đảo ngược sự phải đối của ông đối với việc viện trợ cho Kiev.

Một khẩu pháo của Ukraine bắn vào các vị trí của Nga. Pháo và nguồn cung đạn pháo là những yếu tố quan trọng trong cuộc xung đột của Ukraine. Ảnh: AFP

Theo một số nghị sĩ, Hạ viện Mỹ đang trong kỳ nghỉ cho đến tuần đầu tiên của tháng 4 nhưng một khi hoạt động của cơ quan này được nối lại, ông Johnson sẽ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu về gói viện trợ mới cho Ukraine. Với hàng chục tỷ USD tài trợ này, Bộ Quốc phòng Mỹ có thể sớm cung cấp rất nhiều vũ khí cho Kiev. Một số vũ khí có thể đến trực tiếp từ kho dự trữ hiện có của Mỹ với nguồn tài trợ mới chi trả cho các loại vũ khí mới được chế tạo để bổ sung vào kho dự trữ này. Những khoản khác có thể đến từ các hợp đồng thương mại do Lầu Năm Góc làm trung gian.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần làm rõ những ưu tiên trong việc hỗ trợ cho Ukraine.

Đạn pháo

Đầu tiên và quan trọng nhất, Ukraine cần đạn pháo. Trong 18 tháng đàu tiên của cuộc xung đột, Mỹ là nhà cung cấp đạn pháo chính cho Ukraine. Tổng cộng, Washington đã hỗ trợ Kiev khoảng 2 triệu quả đạn pháo. Một nửa đến trực tiếp từ các kho của Mỹ và nửa còn lại nước này lặng lẽ mua từ Hàn Quốc.

Những quả đạn pháo này, cùng với đạn pháo bổ sung từ các nguồn khác, đã giúp Ukraine duy trì tần suất khai hỏa 10.000 quả/ngày trong phần lớn thời gian của một năm rưỡi xung đột. Số lượng này được cho là đủ để theo kịp Nga khi các lực lượng của Moscow đốt hết phần lớn kho đạn dược của họ trong những tuần đầu tiên.

Việc gói hỗ trợ cho Ukraine bế tắc tại Quốc hội và sự sụt giảm nguồn cung đạn dược của Washington cho Kiev vào cuối năm ngoái, đã cắt giảm 2/3 số đạn pháo được phân bổ hàng ngày. Trong những ngày đen tối nhất của cuộc xung đột vào tháng 2, khi hai đội quân dã chiến của Nga áp sát thành trì của Ukraine ở thành phố Avdiivka thuộc phía Đông, pháo Nga đã khai hỏa nhiều gấp 5 lần so với pháo của Ukraine, đồng thời phá hủy hệ thống phòng thủ của Kiev mà không sợ bị bắn trả.

Quân đội Mỹ đã xây dựng một nhà máy sản xuất đạn pháo mới ở Texas nhằm bổ sung cho nhà máy hiện tại ở Pennsylvania. Chẳng bao lâu nữa, quân đội sẽ có khả năng sản xuất khoảng 70.000 quả đạn pháo mỗi tháng – tăng gấp 6 lần so với tốc độ sản xuất năm 2022.

Giới quan sát cho rằng không có lý do gì mà hầu hết số đạn pháo này không đến Ukraine một khi có đủ nguồn tài chính để chi trả cho mỗi quả đạn pháo trị giá 5.000 USD. Kết hợp với đạn pháo từ EU cũng như một sáng kiến riêng của Séc, các chuyến đạn pháo khẩn cấp từ Mỹ có thể lần đầu tiên mang lại cho Ukraine lợi thế lâu dài về pháo binh.

Tổ hợp phòng không Patriot

Khi đạn pháo được vận chuyển, Mỹ có thể giải quyết nhu cầu lớn thứ hai của Ukraine, đó là tổ hợp tên lửa phòng không Patriot. Đây là hệ thống phòng không tốt nhất của Ukraine hiện nay. Tên lửa có tầm bắn 145km sử dụng cho hệ thống này có thể bắn hạ tất cả các tên lửa nhanh nhất của Nga một cách đáng tin cậy và hạ gục các chiến đấu cơ của Moscow.

Khi lực lượng không quân Ukraine bắn hạ 13 máy bay chiến đấu – ném bom của Nga trong 13 ngày vào tháng trước, có vẻ như tổ hợp Patriot di động đã thực hiện phần lớn nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, hiện nay, Ukraine chỉ có 3 tổ hợp Patriot với khoảng 30 bệ phóng và đã mất một cặp bệ phóng trong một cuộc phục kích tên lửa ác liệt vào đầu tháng 3. Các hệ thống này đang bị dàn mỏng, một hệ thống thường được sử dụng để bảo vệ Kiev, một hệ thống khác bảo vệ Odesa – cảng chiến lược của Ukraine trên Biển Đen và hệ thống thứ ba dường như đang di chuyển ra tiền tuyến để chiến đấu với tiêm kích của Nga.

Lý tưởng nhất là Ukraine sẽ bố trí tổ hợp Patriot trị giá 1 tỷ USD cho khoảng 5 – 6 thành phố lớn nhất, đồng thời bố trí một tổ hợp ở các mặt trận phía Đông và phía Nam. Những hệ thống này cần phải được tự do khai hỏa với tốc độ nhanh nhất – nghĩa là chúng cần nguồn cung tên lửa ổn định với mỗi quả có giá khoảng 3 triệu USD.

Việc tăng gấp đôi hoặc gấp ba lực lượng Patriot của Ukraine có thể giúp nước này giành lại quyền kiểm soát không phận trên tiền tuyến, đồng thời đảo ngược xu hướng đáng lo ngại về các cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn và ngày càng ác liệt của Nga nhằm vào các thành phố của Ukraine.

Xe bọc thép

Theo giới quan sát, sau khi đã bổ sung pháo và hệ thống phòng không cho Ukraine, Mỹ nên hỗ trợ một trong những lữ đoàn tốt nhất của quân đội Ukraine. Lữ đoàn cơ giới 47 là đơn vị vận hành chính các loại xe bọc thép do Mỹ sản xuất, bao gồm xe tăng M-1 Abrams và phương tiện chiến đấu bộ binh M-2 Bradley.

Xe tăng M-1 nặng 69 tấn và M-2 nặng 42 tấn được bọc thep dày và trang bị pháo cỡ nòng 120mm cùng một khẩu pháo tự động 25mm, nằm trong số những xe bọc thép tốt nhất thế giới. Lữ đoàn 47 đang sử dụng chúng một cách hiệu quả. Đối phó với các nhóm tấn công của Nga ở phía Tây Avdiivka, M-1 và M-2 đã hạn chế các cuộc tấn công mùa đông của Nga, cũng như giảm tổn thất về lãnh thổ cho Ukraine khi nguồn cung pháo của nước này cạn kiệt.

Tuy nhiên, Mỹ chỉ mới chuyển 31 xe tăng M-1 và khoảng 200 xe tăng M-2 trước khi đảng Cộng hòa cắt viện trợ cho Kiev. 4 trong số những chiếc M-1 và hơn 30 chiếc M-2 đã bị phá hủy, trong khi những chiếc khác bị hư hại. Lữ đoàn 47 đã sắp cạn kiệt các phương tiện này.

Quân đội Mỹ có hàng nghìn chiếc M-1 và M-2 cũ hơn đang được cất giữ. Chúng cần được đại tu trước khi tham gia chiến đấu ở Ukraine. Nếu khoản hỗ trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine được thông qua thì Lầu Năm Góc có thể tăng tốc hỗ trợ hàng trăm xe tăng và phương tiện chiến đấu cho các lực lượng của Kiev.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Telegraph