Chiến thắng đầu tiên cho tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ

Chiến thắng đầu tiên cho tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ

Các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ hôm 14/11 đã vượt qua sự thù địch đảng phái để thông qua dự luật ngân sách tạm thời nhằm giảm đáng kể nguy cơ chính phủ liên bang bị đóng cửa.

Nhưng trọng tâm của vấn đề nằm ở chỗ dự luật “2 bước” do tân Chủ tịch Mike Johnson đề xuất, sẽ giúp các cơ quan chính phủ có “tiền” để hoạt động đến năm sau, nhận được nhiều sự ủng hộ từ các thành viên Đảng Dân chủ hơn so với Đảng Cộng hòa của ông.

Cụ thể, dự luật nhận được 336 phiếu thuận và 95 phiếu chống, trong đó có 93 phiếu của Đảng Cộng hòa, 2 phiếu từ Đảng Dân chủ. Nhưng kết quả trên vẫn được coi là chiến thắng đầu tiên cho ông Johnson, người mới đắc cử chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ 3 tuần trước.

Nhà lãnh đạo mới của Đảng Cộng hòa dường như đang đi đúng hướng để đạt được kết quả tốt hơn dù phải đối mặt với cùng một vấn đề chính trị dẫn đến việc người tiền nhiệm Kevin McCarthy bị lật đổ.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa cực hữu, với sự tức giận và thất vọng, đã bác bỏ cách tiếp cận của ông Johnson, thay vào đó yêu cầu cắt giảm ngân sách, và do đó đã bỏ phiếu chống. Thay vì những tràng pháo tay và những cái bắt tay thường thấy sau khi một dự luật được thông qua, một số Hạ nghị sĩ bảo thủ theo đường lối cứng rắn đã mạnh mẽ tranh luận với Chủ tịch Hạ viện trước khi rời khỏi phòng họp.

Vì không có đủ sự ủng hộ từ đa số Đảng Cộng hòa, ông Johnson không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào Đảng Dân chủ để đảm bảo dự luật được thông qua kịp thời, trước khi nguồn tài trợ liên bang cạn kiệt vào nửa đêm ngày 17/11.

Tình huống tương tự xảy ra với ông McCarthy và ông Johnson, nhưng kết quả lại khác nhau. Ít nhất ông Johnson tạm thời không bị đe dọa phế truất.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, cùng với các thành viên khác của Đảng Cộng hòa, trong cuộc họp báo về dự luật ông đề xuất nhằm ngăn chặn nguy cơ chính phủ bị đóng cửa, trên Đồi Capitol ở Washington DC, ngày 14/11/2023. Ảnh: Shutterstock/ABC News

Đề xuất của ông Johnson đưa ra một quy trình gồm 2 phần, mà các nhà phê bình cho là kỳ quái, tạm thời tài trợ cho một số cơ quan liên bang đến ngày 19/1 và những cơ quan khác đến ngày 2/2 năm sau.

Đó là một nghị quyết tiếp tục, hay còn gọi là CR, được đưa ra mà không có bất kỳ sự cắt giảm sâu về chi tiêu nào mà phe bảo thủ muốn trong suốt thời gian qua. Nó cũng không bao gồm yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về gần 106 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, Israel, an ninh biên giới và các quỹ bổ sung khác.

Nhiều đảng viên Cộng hòa cánh hữu chỉ trích cách tiếp cận này, nhưng không chỉ trích cá nhân ông Johnson. Hạ nghị sĩ Ken Buck, người đã bỏ phiếu cùng 7 đảng viên Đảng Cộng hòa khác để phế truất ông McCarthy khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện hồi đầu tháng 10, cho biết ông Johnson phải đối mặt với một loạt hoàn cảnh khác.

“Điều xảy ra với ông Kevin là ông ấy thừa biết rằng chúng tôi không đồng ý với tiến độ phân bổ quỹ liên bang”, ông Buck nói với tờ The Independent. “Bây giờ, ông Johnson thừa hưởng mớ hỗn độn đó và tân Chủ tịch phải làm gì đó để giải quyết nó”.

Hạ nghị sĩ Chip Roy nói với các phóng viên rằng ông không đánh giá cao cách dự luật được thông qua. Ông nói: “Chúng ta nên tiến tới một dự luật nhận được sự ủng hộ áp đảo của Đảng Cộng hòa. Dự luật lần này nhận được sự ủng hộ của phần nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa nhưng vẫn không phải là đa số tuyệt đối”.

“Tôi cam đoan với các vị rằng rất nhiều người trong số những người bỏ phiếu đồng ý không hài lòng lắm về điều đó”, ông Roy cho biết.

Dự luật hiện đang được chuyển tới Thượng viện Mỹ, nơi Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết nó có thể được thông qua nhanh chóng. Và cuối cùng, dự luật có thể đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden để ký ban hành.

Minh Đức (Theo The Independent, AP, Bloomberg)