Còn nhiều bất đồng trước thềm cuộc đàm phán hiệp ước nhựa toàn cầu

Còn nhiều bất đồng trước thềm cuộc đàm phán hiệp ước nhựa toàn cầu

Việc các nước có thể thống nhất một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý không chỉ giải quyết vấn đề loại bỏ nhựa, mà còn cả lượng nhựa được sản xuất và cách sử dụng. Đây có thể trở thành hiệp ước quan trọng nhất nhằm giải quyết lượng khí thải làm khí hậu nóng lên toàn cầu kể từ Thỏa thuận chung Paris 2015.

Giá đỡ mô tả vòi nước bằng các chai nhựa xếp tầng được trưng bày gần địa điểm đàm phán về hiệp ước nhựa toàn cầu đầu tiên tại Ottawa, Ontario, Canada. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo tuần trước từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ), việc sản xuất nhựa gây ra khoảng 5% lượng khí thải khí hậu và có thể tăng lên 20% vào năm 2050 nếu không được hạn chế.

Khi các quốc gia đồng ý vào năm 2022 về việc đàm phán một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm nay, họ đã kêu gọi giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, từ sản xuất, sử dụng đến chất thải.

Hôm 23/4, hàng nghìn đại biểu, bao gồm các nhà đàm phán, nhà vận động hành lang và quan sát viên phi lợi nhuận, đã có mặt tại hội nghị thượng đỉnh Ottawa (Canada), vòng đàm phán thứ tư trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 12.

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Steven Guilbeault, Bộ trưởng Môi trường Canada, cho biết: “Chúng ta cần thu hẹp các lựa chọn và đạt được tiến bộ thực sự trong thỏa thuận”, đồng thời nói thêm rằng hiệp ước nên thiết lập các mục tiêu và loại bỏ nhựa, hóa chất sử dụng một lần không cần thiết.

Với việc sản lượng nhựa sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2060, các bên cho rằng cần phải kiểm soát rác thải nhựa có hại làm ô nhiễm cảnh quan, tắc nghẽn đường thủy hoặc gây quá tải bãi chôn lấp rác, gây hại cho sức khỏe cộng đồng.

Gần 20% lượng rác thải nhựa trên thế giới bị đốt cháy, thải ra lượng khí thải carbon cao. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, chưa đến 10% trong số đó được tái chế.

Ông Stewart Harris, người phát ngôn Hội đồng Hiệp hội Hóa chất Quốc tế cho biết: “Chúng tôi đang xem xét thỏa thuận để đẩy nhanh các hoạt động mà ngành công nghiệp nhựa đang tự thực hiện”, chẳng hạn như thúc đẩy tái chế và thiết kế lại các sản phẩm nhựa.

Bức thư được công bố hôm 23/4 bởi 30 nhà khoa học cũng cho biết giới hạn sản xuất nhựa là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Họ kêu gọi ngành công nghiệp cung cấp số liệu chi tiết về sản xuất và các hóa chất được sử dụng, nhằm nâng cao hiệu quả tái chế.

Rác và chai nhựa trôi nổi trên sông Las Vacas, một trong những con sông ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: Reuters

Một số quốc gia phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đã phản đối việc hạn chế sản xuất hoặc cấm một số hóa chất. Nhóm bao gồm Ả Rập Xê Út, Nga và Trung Quốc cho biết hiệp ước chỉ nên tập trung vào việc theo dõi rác thải nhựa.

Tập đoàn Dầu mỏ Ả Rập Xê Út (Saudi Aramco) cho biết có kế hoạch đến năm 2030 sẽ gửi gần 1/3 lượng dầu sản xuất được tới các nhà máy hóa dầu để sản xuất nhựa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết, Trung Quốc – quốc gia sản xuất khoảng 1/3 lượng nhựa của thế giới – luôn coi trọng việc kiểm soát ô nhiễm nhựa và sẵn sàng hợp tác với các nước khác để đạt được tiến bộ chung trong các cuộc đàm phán.

Trong phiên khai mạc, nhóm các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cho rằng các họ nên nhận được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho cơ sở hạ tầng quản lý chất thải để thực hiện các nghĩa vụ mới theo thỏa thuận.

Nhóm các quốc gia châu Phi kêu gọi thành lập một quỹ đa phương mới để giúp các nước đang phát triển đáp ứng các nghĩa vụ mới theo hiệp ước, đồng thời kêu gọi sự chú ý đến thực tế rằng lục địa này đã trở thành mục tiêu của hoạt động buôn bán rác thải nhựa bất hợp pháp.

Ngọc Ánh (theo Reuters)