Đại biểu Quốc hội: Cần trừ điểm giấy phép lái xe nếu vi phạm giao thông

Đại biểu Quốc hội: Cần trừ điểm giấy phép lái xe nếu vi phạm giao thông

Sáng 10/11, trong chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cân nhắc bổ sung đưa xe đưa đón học sinh là xe ưu tiên

Tham gia thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, tại Điều 5 dự thảo Luật Đường bộ, trong đó, đối với phần chính sách đối với hoạt động đường bộ, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định ưu tiên phát triển giao thông đường bộ cho những đối tượng đặc thù, dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai.

Theo bà Cầm, cần có chính sách liên quan đến đường bộ để các đối tượng này dễ tiếp cận, dễ tham gia giao thông. Cùng với đó, cụ thể hóa chính sách này vào những điều luật cụ thể như phát triển hệ thống giao thông thông minh nhằm trợ giúp cho những đối tượng này.

Quang cảnh cuộc thảo luận.

Về Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tại Điều 9, quy tắc chung. Bà Nguyễn Thanh Cầm cho biết, có một quy tắc quan trọng và thực hiện nguyên tắc là đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, được vận chuyển trên các xe ô tô.

“Từ căn cứ về khoa học, kinh nghiệm tham khảo từ các quốc gia có giao thông phát triển có tiêu chuẩn đảm bảo an toàn giao thông rất cao cho trẻ em có thể cân nhắc, nghiên cứu thêm, như việc dùng các thiết bị an toàn cho trẻ em. Thiết bị đảm bảo an toàn cho trẻ em rất ít, chỉ có 1,3% xe trang bị. Theo nghiên cứu, ở Hà Nội có 2,6%, ở TP HCM là 1,1%, ở Đà Nẵng chưa có xe nào có thiết bị này”, bà Cầm cho biết và mong muốn nâng độ tuổi từ 4 lên 6 tuổi đối với trẻ em được vận chuyển trên xe ô tô thì có thiết bị bảo vệ trẻ em.

Đáng chú ý, liên quan đến Điều 46 của Dự thảo Luật, đại biểu Cầm cho biết, có quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh, trong đó, tại khoản 5 có quy định xe ô tô đưa đón học sinh được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng cũng như điều tiết giao thông – đây là quy định rất rõ về ưu tiên cho loại phương tiện này.

“Hiện nay những vụ tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, học sinh có số lượng lớn và thương tâm. Tuy nhiên ở “Điều 3. Giải thích từ ngữ” thì nói đến xe ưu tiên có nhiều loại xe khác nhưng chưa nói đến xe đưa đón học sinh; Tôi mong sẽ được cân nhắc để đảm bảo cụ thể hơn, bởi trẻ em học sinh là đối tượng rất quan trọng, tương lai của đất nước”, bà Cầm đề nghị.

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang.

Có người học lái xe xong lấy Giấy phép nhưng 3, 4 năm không lái xe

Tham gia thảo luận, Thượng tọa Thích Đức Thiện – ĐBQH đoàn Điện Biên cho rằng, năm nay, tai nạn với học sinh tăng lên. Đề nghị cơ quan soạn thảo phải quy định rõ trách nhiệm bộ ngành về giáo dục, đưa giáo dục ý thức về an toàn giao thông nhiều hơn nữa vào trong nhà trường và trách nhiệm bộ giáo dục trong an toàn giao thông.

Một nội dung đáng chú ý được Thượng tọa Thích Đức Thiện nêu lên là: Hàng năm Bộ GTVT cấp rất nhiều Giấy phép lái xe nhưng chưa có tổng kết nào về việc kiểm soát sau khi sát hạch này. “Tôi biết có người học lái xe xong lấy Giấy phép nhưng 3, 4 năm không lái xe rồi sau đó lái xe thì ai kiểm soát sau sát hạch?. Đây là nguyên nhân của tai nạn giao thông rất lớn”, đại biểu đoàn Điện Biên nói.

Từ đó, Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị trong luật cần phải quy định rất rõ xác định vai trò, vị trí của đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe gắn với đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

“Tôi giấy phép lái xe đầu tiên là ở California, nếu vi phạm thì bị trừ mấy điểm, vi phạm tốc độ bị trừ mấy điểm, điều này liên quan đến phạt, thu hồi giấy phép lái xe và phạt, đánh luôn vào kinh tế. Lâu nay không tính điểm nữa thì nay phải tính điểm giấy phép lái xe để có xử phạt theo quy định”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nêu quan điểm.

Thượng tọa Thích Đức Thiện – ĐBQH đoàn Điện Biên.

Chú trọng các biện pháp quản lý người lái xe sau sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề kiểm soát người được cấp Giấy phép lái xe sau sát hạch, ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang – Đoàn Đồng Nai cho rằng, công tác quản lý người lái xe sau sát hạch vẫn bị bỏ ngỏ. “Ở nước ta có hai dạng lái xe là lái xe chuyên nghiệp và không chuyên. Sau khi được cấp giấy phép lái xe hầu như không có biện pháp quản lý. Những người hành nghề lái xe chuyên nghiệp, có một số được cơ quan nhà nước, doanh nghiệp quản lý, còn lại đều thả nổi”, ông Quang cho biết.

Cũng theo đại biểu Quang, đã xuất hiện nhiều trường hợp lái xe không đủ sức khỏe, tâm thần, nghiện ma túy (Theo thống kế của Bộ Công an chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an đã xử lý hơn 2.000 người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng ma túy).

Hàng năm lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý khoảng 5 triệu trường hợp vi phạm và hiện nay đang giữ hàng trăm nghìn Giấy phép lái xe, nhưng không có người đến nhận. Điều đó cho thấy cơ chế quản lý, cấp đổi, cấp lại GPLX chưa chặt chẽ.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang cho rằng, việc quản lý người lái xe là vấn đề đặc biệt quan trọng phải được thể hiện rõ trong các nội dung của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; nội dung quản lý phải bảo đảm xuyên suốt, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đến quá trình chấp hành pháp luật về giao thông.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang – Đoàn Đồng Nai.

Đại biểu Quang đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, làm rõ hơn một số quy định của Luật trong quản lý người lái xe, trong đó: Thứ nhất, xác định lại vai trò, vị trí của công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý người lái xe, phải gắn với công tác bảo đảm TTATGT, bởi nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người và phải có cơ quan chịu trách nhiệm và quản lý người được cấp giấy phép lái xe sau khi được cấp phép.

Thứ hai, cần chú trọng hơn nữa các biện pháp quản lý người lái xe sau sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Trong đó, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này, có thể thông qua giấy phép lái xe tích hợp các thông tin cần thiết của người lái xe từ các hệ thống cơ sở dữ liệu như cơ sở dữ liệu dân cư, hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, tai nạn giao thông; hệ thống giám sát hành trình giao thông; cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh của ngành y tế.

Ông Nguyễn Sỹ Quang cho rằng, có thể xác định số km lái xe an toàn qua giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải đề nâng hạng giấy phép lái xe hoặc cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe. Có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý, trao đổi thông tin giữa cơ quan xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ và cơ quan quản lý giấy phép lái xe, cơ quan y tế trong kiểm soát sức khỏe người lái xe.

Thứ ba, cần bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe; trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính). “Vì thực tế có nhiều người liên tục vi phạm Luật giao thông trong một thời gian ngắn những chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Nhiều nước hiện nay đang áp dụng biện pháp này như là một cách để đánh giá thái độ của lái xe đối với vi phạm buộc họ phải ý thức hơn nữa không sẽ bị tước giấy phép lái xe và phải học lại, thi lại mới được cấp giấy phép lái xe trở lại”, ông Quang nhấn mạnh.

Quốc Trần