Đại sứ Doãn Khánh Tâm: Chuyến thăm đến ‘nước láng giềng thứ ba’ của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh

Đại sứ Doãn Khánh Tâm: Chuyến thăm đến ‘nước láng giềng thứ ba’ của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tại London, tháng 5/2023. (Nguồn: nhandan.vn)

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 1-5/11 theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nhân dịp này, Đại sứ có thể điểm lại những dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước?

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) và Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ (nay là Mông Cổ) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954.

Chưa đầy một năm sau, vào tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm đầu tiên tới Mông Cổ và tiếp sau đó là chuyến thăm của Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Yumjaagiin Tsedenbal tới Việt Nam tháng 9/1959. Các chuyến thăm đặc biệt quan trọng này đã đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống hết sức tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.

Trong những năm sau đó, hai bên tiếp tục duy trì và thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, nổi bật là chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tháng 6/1961. Trong chuyến thăm này, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác lần thứ nhất.

Tháng 12/1979, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Mông Cổ J. Batmunkh thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, hai bên ký Hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị lần thứ 2 và thành lập Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Mông Cổ về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật. Tới nay, Ủy ban đã tổ chức 18 kỳ họp và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Trong chuyến thăm chính thức Mông Cổ tháng 4/2000 của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hai bên tiếp tục đưa quan hệ hai nước lên một tầng nấc mới thông qua việc ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác lần thứ 3.

Đến tháng 3/1994, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ P. Ochirbat, hai bên ra Tuyên bố chung, nêu những nguyên tắc cơ bản cho quan hệ hai nước phù hợp với tình hình mới.

Tiếp theo là chuyến thăm của Tổng thống Mông Cổ N. Bagabandi tới Việt Nam tháng 1/2005 và đến tháng 12/2012, hai bên đã trao công hàm chính thức công nhận lẫn nhau về quy chế kinh tế thị trường đầy đủ.

Gần đây nhất, Tổng thống Mông Cổ Ts. Elbegdorj thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2013. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mông Cổ nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM-11 tháng 7/2016. Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ M. Enkhbold thăm Việt Nam tháng 1/2018…

Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Tổng thống Mông Cổ U.Khurelsukh bên lề Lễ đăng quang của Nhà vua Anh tháng 5/2023 tại London và cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Mông Cổ L.Oyun-Erdene bên lề Diễn đàn Davos mùa Hè tháng 6/2023 tổ chức tại Thiên Tân, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đã khẳng định coi trọng và mong muốn tiếp tục tăng cường, củng cố quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Doãn Khánh Tâm nhận định, chuyến thăm của Tổng thống Mông Cổ lần này là điểm nhấn quan trọng khi hai nước cùng long trọng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới. (Ảnh: NVCC)

Việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương giữa hai bên đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Trong biến động chung của tình hình thế giới, sau khi chuyển đổi chế độ xã hội từ chủ nghĩa xã hội sang dân chủ tư bản và chuyển đổi nền kinh tế thị trường đầu những năm 1990, Mông Cổ vẫn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhân dân Việt Nam-Mông Cổ hoàn toàn có thể tự hào về mối quan hệ truyền thống giữa hai nước đã và đang được xây đắp trên cơ sở hiểu biết và tin cậy, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau. Mối quan hệ đặc biệt đó đã được thử thách qua từng giai đoạn của lịch sử.

Việt Nam luôn ghi nhớ tình cảm chân thành, sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà Nhà nước và nhân dân Mông Cổ dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Nhà nước và nhân dân Việt Nam với khả năng của mình, giúp đỡ nhân dân Mông Cổ khi gặp khó khăn do thiên tai hoặc trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

Sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau chân thành, kịp thời đó cùng với truyền thống quan hệ lâu đời, sự quan tâm của Lãnh đạo hai nhà nước, nguồn tài nguyên phong phú, năng lực sản xuất ngày càng cao đã, đang và sẽ là cơ sở vững chắc, là đòn bẩy cho sự phát triển hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế – thương mại, khoa học – công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch…

Bên cạnh đó, quan hệ giữa các tỉnh, thành, địa phương của hai nước cũng rất mật thiết với các cặp kết nghĩa như Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh kết nghĩa với Thủ đô Ulaanbaatar. Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kết nghĩa với quận Bayanzurkh của bạn. Tỉnh Hòa Bình và tỉnh Tuv, tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Orkhon, thành phố Thủ Đức với quận Chingeltei, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Darkhan-Uul sắp tới…

Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh và kỳ vọng của Đại sứ về tương lai mối quan hệ Việt Nam-Mông Cổ trong thời gian tới?

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ trong khuôn khổ hợp tác song phương mà còn mở ra khả năng phát triển rộng lớn trong khu vực và quốc tế, mở ra trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Mông Cổ.

Đặc biệt, chuyến thăm là điểm nhấn quan trọng khi hai nước cùng long trọng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ 4 của người đứng đầu Nhà nước Mông Cổ tới Việt Nam sau 10 năm kể từ chuyến thăm của Tổng thống Ts. Elbegdorj tháng 11/2013.

Những thỏa thuận cấp cao về phương hướng hợp tác giữa hai nước trong chuyến thăm lần này sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như nông nghiệp, khai khoáng, du lịch… đóng góp thiết thực vào việc cân bằng cán cân thương mại song phương.

Đại sứ Doãn Khánh Tâm (bên trái) và Thầy Gungaajav, Hiệu trưởng ngôi trường danh giá bậc nhất của Mông Cổ mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Ulaanbaatar nhân Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024. (Ảnh: NVCC)

Mông Cổ là đất nước rất rộng lớn với thế mạnh là trữ lượng khoáng sản phong phú, trong đó có những loại khoáng sản mà thế giới đang rất cần và số lượng gia súc chăn thả dồi dào… Đây sẽ là những lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai nước, đặc biệt là việc tăng cường mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác mỏ, kim loại đất hiếm, những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xe điện, kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Trong khi đó, thế mạnh của Việt Nam với thị trường hơn 100 triệu dân, đang trong thời kỳ dân số vàng và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh chóng. Các doanh nghiệp Mông Cổ sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường ASEAN cũng như thị trường rộng lớn trên thế giới vì Việt Nam đã ký hơn 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA…

Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mông Cổ trong những năm gần đây có những bước phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn gấp đôi, từ 41,4 triệu USD trong năm 2017 lên hơn 85 triệu USD năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023 đã đạt khoảng 75 triệu USD.

Có thể thấy rằng, hai nước có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, giáo dục – đào tạo, khoa học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế số, năng lượng, thăm dò khai thác và chế biến dầu khí cũng như tham gia các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, tái tạo điện gió, điện mặt trời.

Với những dư địa cho hợp tác còn rộng lớn như thế, nhất là với quyết tâm của cả hai bên, tôi tin chắc rằng, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ với bề dày 70 năm lịch sử sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển, đạt nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa.

Học sinh Trường số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Ulaanbaatar biểu diễn văn nghệ kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/2022. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Mông Cổ)

Trong cuộc gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại London nhân dịp hai nhà lãnh đạo dự lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III tháng 5/2023, Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh tiếp tục khẳng định Việt Nam chiếm vị trí rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ tại khu vực Đông Nam Á, ý kiến của Đại sứ như thế nào về đánh giá này?

Do đặc thù của vị trí địa lý, Mông Cổ không giáp biển, chỉ có hai nước láng giềng có chung đường biên giới đất liền là Nga và Trung Quốc, nên kinh tế Mông Cổ phụ thuộc rất nhiều vào 2 nước láng giềng tự nhiên này. Hiện 90% hàng hóa tiêu dùng của Mông Cổ phải nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc, hơn 95% nhiêu liệu và năng lượng phải nhập khẩu từ Nga. Do vậy, kể từ đầu những năm 1990, Mông Cổ đã đưa những ý tưởng về chính sách đối ngoại với phương châm “không liên kết, giữ đều khoảng cách, toàn diện”.

Dưới sự dẫn dắt của phương châm đối ngoại chủ đạo này, ngoài việc ưu tiên phát triển quan hệ với Nga và Trung Quốc, Mông Cổ còn tích cực phát triển quan hệ với các nước “láng giềng thứ ba” như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… đồng thời, trong các hoạt động ngoại giao với các nước “láng giềng thứ ba”, dần hình thành Chính sách đối ngoại “nước láng giềng thứ ba”.

Đến năm 2010, Mông Cổ đã “luật hóa” chính sách này và đến năm 2011, Mông Cổ đưa ra “Ý tưởng mới về chính sách đối ngoại” và chính thức đưa “Chính sách ngoại giao nước láng giềng thứ ba” vào chiến lược đối ngoại này.

Theo đó, Mông Cổ luôn nỗ lực phát triển quan hệ hợp tác không chỉ với hai nước có đường biên giới bao quanh mà còn thúc đẩy phát triển quan hệ với các nước có ảnh hưởng quan trọng không khác gì hai nước láng giềng tự nhiên tới mọi mặt đời sống của Mông Cổ.

Với tầm nhìn và chính sách như thế, Mông Cổ đánh giá rất cao vai trò, vị thế đang lên của Việt Nam. Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam, các lãnh đạo Mông Cổ luôn khẳng định Việt Nam là đối tác chính, quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ tại khu vực Đông Nam Á, coi Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để Mông Cổ thâm nhập vào thị trường 700 triệu dân của ASEAN.

Với tầm nhìn và quyết tâm như thế, Mông Cổ đặt mục tiêu nâng cấp quan hệ và hợp tác toàn diện với Việt Nam, một “nước láng giềng thứ ba” rất quan trọng ở Đông Nam Á và rộng hơn sẽ là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Đức Khải