Đau mắt đỏ: Cảnh báo gia tăng và biến chứng ở trẻ em

Đau mắt đỏ: Cảnh báo gia tăng và biến chứng ở trẻ em

Khám bệnh cho trẻ em đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình.

Sau 4 ngày con gái 5 tuổi bị đau mắt đỏ, nhỏ thuốc tại nhà không thấy đỡ, thậm chí còn nặng thêm, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, xã Khánh Phú (huyện Yên Khánh) cho con đến khám tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình. Tại đây, các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán, con chị bị đau mắt đỏ có biến chứng trợt giác mạc, cần nhập viện điều trị tích cực để lâu dài không ảnh hưởng đến thị lực.

Với gia đình chị Nguyễn Thị Hà Anh, phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) thì cả gia đình hiện đều bị đau mắt đỏ gần chục ngày nay. Nặng hơn cả là 2 con gái đang học Tiểu học và THCS, mắt sưng đỏ, đau rát không thể đi học.

Chị Hà Anh cho biết: Ngay khi con gái đầu có các triệu chứng đau mắt đỏ như đau rát, nhiều rỉ, chị đã mua thuốc nhỏ và hướng dẫn vệ sinh mắt cho con. Tuy nhiên, vài ngày sau bệnh không đỡ mà lan sang em gái và sau đó cả 4 người trong gia đình đều lây nhau đau mắt đỏ.

“Thấy 2 con điều trị tại nhà không đỡ, tôi cho con đến khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh. Được chẩn đoán bị viêm giác mạc cấp nên 2 cháu được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Sau 2 ngày được điều trị tích cực bằng việc vệ sinh mắt thường xuyên, uống thuốc và nhỏ thuốc hàng ngày, hiện 2 cháu đã cảm thấy đỡ hơn rất nhiều. Mắt đã đỡ đỏ, không còn đau rát, khó chịu. Các bác sĩ cho biết, vài ngày nữa là khỏi bệnh, có thể xuất viện…” – chị Hà Anh chia sẻ.

Tại Bệnh viện Mắt tỉnh Ninh Bình, từ đầu tháng 7/2023 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cho gần 600 bệnh nhân bị viêm kết mạc cấp, trong đó có hơn 100 người bị biến chứng viêm kết giác mạc, chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Điều đáng chú ý là bệnh nhân trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ cao, với khoảng gần 50%.

Bác sĩ Phạm Thị Hạnh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Ninh Bình cho biết: Bệnh đau mắt đỏ là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt). Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân hè và giao mùa sang thu, nhất là khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa…, lúc này hệ thống miễn dịch của con người yếu nên dễ bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.

Gia tăng số trẻ em đau mắt đỏ phải nhập viện thăm khám và điều trị.

Năm nay, dịch đau mắt đỏ kéo dài hơn mọi năm, đồng thời xuất hiện nhiều ca bệnh có biến chứng nặng và lâu khỏi. Bệnh thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Ban đầu là đau 1 mắt, sau lan sang con mắt thứ 2. Triệu chứng điển hình rõ nhất bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh – vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt, không muốn ăn uống…

Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ. Những tháng gần đây, đau mắt đỏ hầu hết do do virut gây ra, với tốc độ lây lan nhanh, biến chứng nặng hơn các đợt dịch trước đây.

Bệnh đau mắt đỏ có tỷ lệ lây lan rất mạnh, trung gian truyền bệnh chính là nước mắt của bệnh nhân đau mắt đỏ do nước mắt này có chứa vius. Mầm bệnh lây qua những hạt tiết tố nhỏ li ti, khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi và qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như nắm tay cửa, điện thoại, khăn…

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ trở thành dịch và khả năng lây lan cao do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nhiều đường như hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm chạm vào những đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguồn bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt hay lây qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng.

Môi trường công sở, lớp học, nơi công cộng là những nơi khiến bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan và bùng phát dịch. Do đó, người dân cần tăng cường đeo khẩu trang, vệ sinh khử khuẩn tay, tai, mũi, họng thường xuyên.

Ngoài ra, người bệnh không đeo kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc; sử dụng riêng các vật dụng cá nhân, hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người; không nên tự mua thuốc về nhỏ mắt; không nên sử dụng những biện pháp chữa dân gian như xông, rửa mắt bằng lá trầu không…

Bác sĩ Phạm Thị Hạnh khuyến cáo, khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều ghèn rỉ, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, và xử lý điều trị kịp thời. Không nên tự ý điều trị tại nhà, gây biến chứng nặng, làm tổn thương giác mạc, ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ. Đồng thời cũng cần chú trọng áp dụng các biện pháp phòng bệnh đúng cách, tránh lây lan đau mắt đỏ cho người xung quanh và trong gia đình.

Cách phòng tránh để hạn chế sự lây lan là khi bị bệnh, mỗi người không dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh. Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân cho người mắc bệnh…

Dự báo, thời gian tới, nguy cơ bệnh đau mắt đỏ vẫn sẽ gia tăng, có thể lây lan thành dịch, nhất là khi hiện nay học sinh đã vào học năm học mới. Do vậy, các gia đình khi có con được chẩn đoán đau mắt đỏ, cần cho con nghỉ ngơi tại nhà, điều trị tích cực cho con khỏi bệnh, hạn chế đến những nơi đông người, giữ vệ sinh mắt, tránh lây lan bệnh cho nhiều người và bùng phát lây lan thành dịch với quy mô lớn.

Hạnh Chi – Minh Quang