Điều gì xảy ra với lĩnh vực công nghệ Israel sau các cuộc tấn công của Hamas?

Điều gì xảy ra với lĩnh vực công nghệ Israel sau các cuộc tấn công của Hamas?

Các ngành công nghệ cao trong vài thập kỷ là ngành tăng trưởng nhanh nhất ở Israel và rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, chiếm 14% việc làm và gần 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Giá cổ phiếu và trái phiếu của Israel trượt dốc cùng nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa hôm 9.10 sau khi các tay súng từ nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas của Palestine tràn qua các thị trấn Israel ngày 8.10.

Các chiến binh cũng bắn hàng ngàn quả tên lửa vào Israel trong một cuộc tấn công bất ngờ. Một số tên lửa đã bay tới tận thành phố Tel Aviv, khiến các hãng hàng không phải tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Israel.

Israel trả đũa bằng các cuộc không kích vào các mục tiêu của Hamas ở Gaza, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Jack Ablin, Giám đốc đầu tư và đối tác sáng lập tại công ty Cresset Wealth Advisors, cho biết: “Đây là sự gián đoạn lớn với hoạt động kinh doanh như thường lệ”. Ông nói trong ngắn hạn, các nguồn lực có thể bị chuyển hướng nếu xung đột mở rộng, chẳng hạn như nhân viên tại các hãng công nghệ được gọi làm quân nhân dự bị.

Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại công ty LPL Financial ở thành phố Charlotte (bang Bắc Carolina, Mỹ), nói có thể sẽ có “nỗ lực to lớn” để bảo vệ cơ sở vật chất cho các công ty có trụ sở tại Israel khỏi các cuộc tấn công vì chi tiêu công nghệ gắn liền với quân đội.

Người phát ngôn hãng sản xuất chip Intel, nhà xuất khẩu và sử dụng lao động tư nhân lớn nhất Israel, nói hôm 8.10 rằng công ty đang “theo dõi chặt chẽ tình hình ở Israel, thực hiện các bước để bảo vệ và hỗ trợ người lao động của chúng tôi”. Người phát ngôn Intel từ chối cho biết liệu việc sản xuất chip có bị ảnh hưởng bởi tình hình này hay không.

Nvidia, nhà sản xuất chip dùng cho trí tuệ nhân tạo (AI) và đồ họa máy tính lớn nhất thế giới, nói đã hủy hội nghị thượng đỉnh AI dự kiến diễn ra vào tuần tới ở Tel Aviv.

Tower Semiconductor (có trụ sở tại Israel) cho biết vẫn hoạt động như bình thường. Tower Semiconductor cung cấp các sản phẩm bán dẫn analog và kết hợp tín hiệu, chủ yếu dành cho các ngành công nghiệp ô tô và tiêu dùng.

Những gã khổng lồ công nghệ khác như Meta Platforms, Alphabet và Apple không trả lời khi được đề nghị bình luận về vấn đề trên.

Lĩnh vực công nghệ của Israel đã phải đối mặt với tình trạng suy thoái vào năm 2023 và càng trầm trọng hơn do xung đột chính trị và biểu tình nội bộ. Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ Israel được thành lập tại Mỹ.

Một phần mặt tiền “tòa nhà thông minh” của Intel ở thành phố Petah Tikva, gần Tel Aviv – Ảnh: Reuters

Tăng chi tiêu quân đội, AI

Lĩnh vực công nghệ của Israel bắt đầu từ năm 1974 khi Intel bắt đầu hiện diện, nhưng bối cảnh khởi nghiệp phát triển mạnh vào những năm 1990, nổi tiếng là trung tâm công nghệ lớn thứ hai thế giới bên ngoài Thung lũng Silicon, với hàng ngàn công ty và đang phát triển một hệ sinh thái quan trọng.

Hiện có 500 công ty đa quốc gia hoạt động ở Israel, chủ yếu là các trung tâm nghiên cứu và phát triển sau khi mua lại các công ty khởi nghiệp nước này, từ Intel đến IBM, Apple, Microsoft, Google và Facebook.

Vào tháng 6, Thủ tướng Israel – Benjamin Netanyahu nói Intel đang lên kế hoạch chi 25 tỉ USD vào một nhà máy mới ở thành phố phía nam Kiryat Gat, cách Gaza khoảng 42 km.

Dự kiến nhà máy này sẽ mở cửa vào năm 2027. Ông Benjamin Netanyahu gọi đây là khoản đầu tư quốc tế lớn nhất từ trước đến nay vào đất nước, có thể tạo việc làm cho hàng ngàn người, sẽ bổ sung cho các nhà máy sản xuất và trung tâm thiết kế chip hiện có ở Israel.

Quincy Krosby cho biết về lâu dài, lĩnh vực công nghệ và AI (Israel là nước đi đầu) có thể chứng kiến mức đầu tư tăng lên do mối liên hệ chặt chẽ của các ngành này với chi tiêu quân sự.

Ông nói: “Họ có thể sẽ tăng cường đầu tư vào AI. Khi một quốc gia bị tấn công hoặc đối mặt với một tình huống nguy hiểm, điều đầu tiên họ nhìn vào, ngoài những vấn đề hiển nhiên về tình báo, là những gì đã bị bỏ sót trong hệ thống an ninh. Điều này có thể tăng cường hỗ trợ để có thêm nguồn tài chính cho công nghệ trong quân đội, sau đó chuyển sang các hãng công nghệ thuộc khu vực tư nhân”.

Lĩnh vực công nghệ đã thể hiện khả năng phục hồi trong quá khứ, vượt qua một số xung đột với Hamas ở Gaza.

Apjit Walia, Giám đốc điều hành tại hãng DVN Capital, cho biết lĩnh vực công nghệ của Israel “trong lịch sử đã phục hồi trở lại sau những bi kịch địa chính trị”.

Lý do Hamas bất ngờ tấn công vào lãnh thổ Israel

Vụ tấn công tên lửa bất ngờ của nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas vào lãnh thổ Israel có thể nhằm đảo ngược một thỏa thuận ngoại giao đang hình thành, có khả năng tái định hình khu vực.

Hamas đang tập kích cả các mục tiêu dân sự và quân sự của Israel từ Gaza cũng như ngay bên trong lãnh thổ của quốc gia này. Hiện có nhiều báo cáo cho biết nhóm còn bắt giữ một số lượng lớn binh sĩ và công dân Israel làm con tin.

Theo CNN, động thái có thể nhằm trao đổi con tin lấy các tù nhân Hamas đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel. Trước đây, nhóm vũ trang Hồi giáo người Palestine từng đạt các thỏa thuận trao đổi tương tự với chính phủ Do Thái.

Chuyên gia phân tích an ninh Peter Bergen (Mỹ) nhận định việc Hamas bắt giữ con tin cũng sẽ làm phức tạp thêm bất kỳ phản ứng quân sự nào của Israel ở Gaza. Động thái thậm chí có thể khiến quân đội Israel e ngại tiến hành không kích vào khu vực vì lo các con tin gặp nguy hiểm.

Tuy nhiên đằng sau động thái mới của Hamas có thể ẩn giấu một mục đích lớn hơn là nỗ lực chấm dứt mối quan hệ hợp tác giữa Israel và các quốc gia Ả Rập, vốn đã bắt đầu một cách nghiêm túc dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua Hiệp ước Abraham.

Dưới nỗ lực trung gian hòa giải của Mỹ, do Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cấp cao của ông Trump phụ trách, Hiệp ước Abraham đã dẫn đến việc UAE và Bahrain lần đầu tiên ký kết các thỏa thuận công nhận nhà nước Israel. Maroc và Sudan cũng bình thường hóa quan hệ với quốc gia Do Thái.

Các thỏa thuận trên là bước đột phá đáng chú ý, vì trước đây những quốc gia Ả Rập đã viện dẫn cách Israel đối xử với người Palestine để từ chối công nhận nhà nước Do Thái. Tuy nhiên, người Palestine nhất quyết phản đối các thỏa thuận này.

Giới quan sát thừa nhận Hiệp ước Abraham không làm được gì nhiều cho người Palestine. Ông Kushner từng bày tỏ ý định giúp tìm kiếm 50 tỉ USD tài trợ cho các dự án của người Palestine, nhưng điều đó đã không xảy ra. Nguyên nhân được giải thích vì người Palestine tẩy chay một hội nghị các nhà tài trợ do ông Kushner tổ chức ở Bahrain vào năm 2019.

Số người thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra giữa Israel với nhóm Hồi giáo Hamas của Palestine đã vượt 1.100. Trong đó, khoảng 700 người, gồm cả 44 binh sĩ Israel được xác nhận đã chết ở miền nam nước này, nơi Hamas phát động cuộc tấn công, theo hãng tin AP.

Tại Gaza, nơi Israel đáp trả dữ dội, các quan chức báo cáo có ít nhất 413 người thiệt mạng. Ngoài ra, Israel cho biết hơn 100 công dân, gồm phụ nữ và trẻ em, đã bị Hamas bắt cóc.

Ở phía Palestine, Bộ Y tế nước này xác nhận 424 công dân đã bị lực lượng Israel giết chết ở Bờ Tây và Gaza kể từ ngày 7.10, thời điểm giao tranh bùng phát, theo hãng Al Jazeera.

Nhiều nạn nhân Israel là thường dân bị sát hại tại nhà, trên đường phố và tại các địa điểm khác dọc theo vùng lãnh thổ rộng lớn giáp Gaza. Điều này đã khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả tình hình hiện tại như một vụ “tấn công khủng bố bừa bãi” của Hamas.

Ông Blinken nói thêm rằng Nhà Trắng chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Iran đứng sau Hamas. Thế nhưng, các quan chức cho biết không thể phủ nhận trong quá khứ Iran từng hỗ trợ Hamas. Theo phía Mỹ, mối quan hệ lâu dài của Iran với Hamas cho thấy rất có khả năng nước này đã giúp đào tạo và tài trợ cho nỗ lực cuối cùng dẫn đến cuộc tấn công cuối tuần qua.

Sơn Vân