Điều luật tồn tại của trái tim con người

Điều luật tồn tại của trái tim con người

1.

Điều một: Robot không được làm tổn thương con người hay vì không hành động nên khiến con người bị tổn thương.

Điều hai: Robot phải tuân lệnh con người trừ khi những mệnh lệnh đó xung đột với Điều một.

Điều ba: Robot phải bảo vệ sự tồn tại của mình miễn sao không mâu thuẫn với Điều một hoặc Điều hai.

Đã hơn nửa thế kỷ kể từ khi Isaac Asimov (1920 – 1992) viết ra ba điều luật trên trong một tác phẩm khoa học viễn tưởng, vẽ ra một thế giới loài người với sự tồn tại của những người máy thông minh. Trong những viễn tưởng tương lai đó, thế giới con người bị robot đe dọa, hủy diệt, mối quan hệ giữa người và máy từ “chủ – tớ” biến thành mối quan hệ thù địch một mất một còn. Những robot có vẻ ngoài y hệt con người như trong loạt phim bom tấn The Terminator hay những robot có khả năng phát triển cảm xúc biết yêu đương, khao khát và đấu tranh để có được tình yêu, muốn trở thành con người như trong phim Bicentennial ManA.I. Artificial Intelligence. Thậm chí khi robot đủ thông minh để nổi dậy lật đổ loài người như trong phim I, Robot.

Dù cho có những cảnh báo đáng sợ về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), chính phủ một số nước vẫn đổ tiền đầu tư phát triển AI và các tỷ phú công nghệ vẫn hốt bạc nhờ lĩnh vực nhiều triển vọng này. Và đó là khi tương lai đã trở thành hiện tại.

Ta coi khinh những sản phẩm do AI làm ra không phải là nghệ thuật, chỉ là món hàng mỹ ký đèm đẹp vô hồn, vô cảm, vô căn cước và vô cá tính. Nhưng bất chấp tất cả những chữ “vô” ấy, AI vẫn đang hoàn thiện, và không ít người đã nghĩ về một tương lai robot có phát triển, mô phỏng cảm xúc của con người, chỉ là bao lâu và khi nào. Năm 2012, Hàn Quốc công chiếu tác phẩm điện ảnh Doomsday Book (Ngày Khải huyền), ở đó một robot dọn dẹp trong chùa đã đạt đến cảnh giới… giác ngộ, điều mà cả những vị cao tăng tu hành nhiều năm cũng chưa chắc đạt được.

Những ví dụ trên không phải chỉ đến từ bộ óc giàu tưởng tượng và nhờ trí tưởng tượng của mình mà làm giàu. Nó đến từ những tâm hồn nhạy cảm hơn, chẳng hạn như một nhà văn đoạt giải Nobel Văn học – Kazuo Ishiguro. Tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Anh gốc Nhật này có tên Klara và Mặt trời (vừa được dịch và xuất bản ở Việt Nam năm 2023) kể chuyện những người máy thay con người chăm sóc trẻ em. Và nó không hề hoang đường chút nào. Ngày nay, chẳng phải nhiều bậc phụ huynh ngay cả ở đất nước trọng già yêu trẻ như chúng ta, đang trông cậy tivi, điện thoại thông minh trông hộ con, dỗ con ăn cơm, dỗ con đi ngủ để họ rảnh tay… lướt mạng xã hội, chơi game, coi phim?

Sẽ thế nào, nếu có giờ phút ngây thơ thành thật trong giờ tập làm văn, một em bé mở bài rằng: “Nhà em có nhiều thành viên, nhưng trong số các thành viên, em thân thiết nhất với bạn Điện Thoại”. Chúng ta đã để cho bé con xa rời cái ấm áp của tình thân quá sớm, trải qua tuổi thiếu niên trong lẻ loi và trưởng thành bằng thói quen cô độc.

2.

Mukbang – một hình thức truyền hình ăn uống trực tiếp bùng nổ trong kỷ nguyên của mạng xã hội và vẫn tiếp tục chiêu mộ những tín đồ mới của một loại hình sáng tạo nội dung lạ kỳ nhưng hợp thời, dành cho những ai không muốn ăn cơm một mình nhưng cũng chẳng thích tụ tập bè bạn. Thiếu vắng tình thân cũng như không có tình yêu, bất cứ khi nào cũng có thể cùng nhau ăn thông qua chiếc màn hình điện thoại, trò chuyện cùng những người xa lạ để rồi qua vài tiếng phát trực tiếp, khi cả người ăn và người xem đều rã rời thì một ngày cũng hết cùng cú tắt điện thoại để trở về cái trống rỗng mênh mông của mình.

Điều này cũng có thể lý giải tại sao trên quê hương của từ “mukbang”, nền điện ảnh mấy năm nay lại tìm được nguồn cảm hứng lớn với đề tài xác sống.

Đồng cảm, hy sinh và chịu đựng – đó nên là điều luật tồn tại của trái tim con người, nó cũng cấp thiết như những điều luật robot đã nói ở đầu bài biết, trong thời đại của chúng ta. Ảnh minh họa. Ảnh: Huỳnh Thanh Giàu

Ra đời giữa đại dịch Covid-19, #Alive ngay từ ngày đầu ra mắt năm 2020 đã chiếm 62% doanh thu phòng vé. Chỉ sau một tuần công chiếu, bộ phim đã có hơn 1 triệu lượt khán giả. Bộ phim khắc họa cuộc sống cô độc của những người trẻ đô thị, tự giam mình trong những không gian chật hẹp. Joon Woo là một game thủ sống khép kín và không biết gì về thế giới bên ngoài, kể cả dịch bệnh kinh khủng. Cho đến khi anh kịp ý thức được mọi chuyện thì đã muộn, người thân của anh đã nhiễm bệnh và anh là người sống sót cuối cùng của cả tòa nhà.

Nhưng không đợi đến đại dịch, “thế kỷ cô đơn” của con người đã bắt đầu kể từ lúc chúng ta tự cho phép bản thân đóng cánh cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài. Đó không phải cái cô độc ngàn năm trước của Trần Tử Ngang lên U Châu đài, đứng trước đất trời bao la mà thốt lên rằng:

Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du,
Độc sảng nhiên nhi thế há.

(Phía trước không thấy người xưa,
Phía sau không thấy người đời tiếp
Ngẫm thấy rằng trời đất rộng lớn mênh mông,
Một mình lẻ loi thấy đau lòng chợt rơi lệ)

Nhưng cái cô đơn của Tử Ngang là cái cô đơn của một cá nhân trong vũ trụ, thuở mà tồn tại cái làng gần nhất như cái làng trong truyện ngắn của Kafka, đường đi chẳng quá bao xa nhưng cả đời không thể nào bước tới. Con người ngày nay sống trong một thế giới được tuyên bố đã “phẳng phiu”, nơi mà một người ở Bắc Cực có thể dễ dàng trò chuyện, mặt đối mặt (qua màn hình) với một người ở Nam Cực dễ dàng đến nỗi người ta đã quên cái thời Hải Phòng mùa đông người đưa thư già/ Ngồi vấn thuốc đầu ngõ Kỳ Đồng trong thơ Lưu Quang Vũ. Ở những đô thị lớn, nơi từng mét vuông chật ních hơi thở người, ấy vậy mà chúng ta chỉ như những sinh vật đơn côi tự khóa mình trong không gian chật hẹp.

Ngày nay, tội ác có thể âm thầm diễn suốt quãng thời gian dài sau những cánh cửa căn hộ đóng kín, giữa một chung cư có hàng vạn cư dân. Làm sao mà tiếng khóc trẻ thơ bị bạo hành chưa bao giờ lọt qua khung cửa hẹp? Phải chăng chúng ta cho mình cái quyền năng của một cỗ máy có thể dễ dàng “tắt nguồn” để bỏ ngoài tai mọi tiếng kêu của đồng loại. Phải chăng chúng ta chỉ cảm thấy an toàn khi ẩn sau chiếc màn hình điện thoại, một tấm giáp vạn năng mà núp sau đó ta có thể “ném đá”, thậm chí là dìm xuống bùn bao nhiêu người xa lạ không mảy may tác động đến mình…

3.

Thế hệ 8X, 9X ở Việt Nam đã kết thân với chú mèo máy đến từ Nhật Bản, Doraemon cùng những món bửu bối thần kỳ của mình đã cứu vớt cuộc đời tẻ nhạt của một chú bé lười biếng, hậu đậu bị người xung quanh coi thường, bạn bè bắt nạt. Những đứa trẻ (nay đã thành người lớn), chắc hẳn đã ít nhất một lần mơ rằng một trong số những món bửu bối kia là có thật và ngày nay, nhờ khoa học không ít ý tưởng “hoang đường” trong truyện tranh đã trở thành sự thực.

Phải chăng chúng ta chỉ cảm thấy an toàn khi ẩn sau chiếc màn hình điện thoại, một tấm giáp vạn năng mà núp sau đó ta có thể “ném đá”, thậm chí là dìm xuống bùn bao nhiêu người xa lạ không mảy may tác động đến mình…

Từ bao giờ những đứa trẻ bất hạnh trên đời lại nghĩ về sự giúp đỡ của một cỗ máy, dẫu là cỗ máy có nhân tính như Doraemon. Nhưng trong thế giới của Nobita không chỉ có Doraemon mà còn có cha mẹ, còn Xuka, Chaien, Xêkô…, còn có góc công viên, còn những cuộc phiêu lưu lên trời xuống biển, vượt ra ngoài không gian. Trong những cuộc phiêu lưu ấy cậu không đơn độc, và dẫu có Doraemon cùng những phát minh đến từ thế kỷ XXII đi nữa, Nobita vẫn cần đến tình thân, bè bạn để vượt qua cái ác, cái xấu, những cám dỗ trên hành trình trưởng thành của mình. Cũng như thế, Thế kỷ cô đơn của Noreena Hertz không chỉ là cuốn sách phác họa thời hiện đại, nó còn soi chiếu vào nội tâm chúng ta, buộc chúng ta nhìn lại các mối quan hệ giữa người với người.

Phim về ma quỷ, người máy, sinh vật ngoài hành tinh từ lúc ra đời những thể loại trên vẫn thu hút nhiều khán giả. Chúng ta có một sự tò mò nhất định với những bóng ma và người máy là một bóng ma của tương lai. Trong nỗi sợ về một thế giới tận thế chỉ còn bóng dáng của robot, cái đáng sợ hơn chính là sự tận thế của lòng người. Ở đó chúng ta biến thành những xác sống như trong các phim thảm họa, hay những robot vô hồn mang trái tim lên bằng dây cót. Tôi muốn tin vào sự bất tử của con người, như William Faulkner đã tin: “Con người bất tử không vì giữa muôn loài nó có tiếng nói không bao giờ tắt mà chính vì nó có một tâm hồn, một tinh thần biết đồng cảm, hy sinh và chịu đựng”.

Đồng cảm, hy sinh và chịu đựng – đó nên là điều luật tồn tại của trái tim con người, nó cũng cấp thiết như những điều luật robot đã nói ở đầu bài biết, trong thời đại của chúng ta. Và chừng nào còn điều luật đó, con người dẫu sống “trăm năm cô đơn” của Gabriel García Márquez hoặc trong thế giới “người máy mơ về cừu điện” của Philip K. Dick, thì chừng đó vẫn còn có ánh sáng của trái tim và xã hội loài người có thể nguy kịch nhưng chưa đến hồi cáo chung.

Huỳnh Trọng Khang