Đừng gục ngã trên đường chạy marathon

Đừng gục ngã trên đường chạy marathon

Phong trào chạy bộ ngày càng phổ biến, trường hợp gặp vấn đề sức khỏe, cấp cứ, tai nạn cũng ngày một nhiều. Ảnh: Unsplash.

Trong một giải chạy diễn ra tại Hà Nội mới đây, một vận động viên bất ngờ ngã gục, ngừng tim trước vạch đích 100 mét. Người này có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, hiện được điều trị hồi sức tích cực nhưng tiên lượng xấu.

Trước đó, một vận động viên khác cũng đã không may tử vong vì đột tử trong một giải chạy tại Hòa Bình dù được đưa đến bệnh viện và nỗ lực cấp cứu.

Trong bối cảnh phong trào chạy bộ, các giải chạy ngày càng được mở rộng, hai sự việc nói trên cũng là hồi chuông cảnh báo cho nhiều runner, vận động viên khi tham gia bộ môn thể thao này.

Marathon không phải cuộc đua đơn giản

Chia sẻ với Tri thức – Znews về những sự cố đau lòng vừa xảy ra trên đường chạy marathon, Thái Hoàng (30 tuổi, sống tại TP.HCM) cho rằng đây là những sự cố hy hữu, không may. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể sẽ tăng cao nếu số người chạy bộ ngày một đông nhưng thiếu kiến thức trong khi phong trào chạy bộ ngày càng phổ biến.

Là một runner có kinh nghiệm nhiều năm tham gia các giải marathon, anh Thái Hoàng cho rằng hiện nay, ngày một nhiều giải chạy được mở ra để kích thích tinh thần rèn luyện sức khỏe của mọi người. Điều này sẽ rất tốt nếu như mọi người chịu khó tìm hiểu và quan tâm đến tác động của nó mang lại.

“Điều đáng lo lắng là nhiều người lại đang quan niệm sai về bộ môn chạy bộ nên chủ quan. Điều này là rất nguy hiểm nếu họ không biết mình mắc bệnh tim mạch”, anh Hoàng cho biết.

Anh Hoàng (ngoài cùng bên trái) trong một giải chạy bộ gần đây. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh lý do trên, sự so sánh, hơn thua trong khi không chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt sức khỏe cũng là lý do khiến nhiều người gục ngã khi tham gia các giải chạy.

Anh cho rằng bên cạnh việc tầm soát sức khỏe thường xuyên, mọi người cần chuẩn bị rất kỹ trước khi chạy. Không chỉ khởi động, người chạy cần có khoảng thời gian rèn luyện lâu dài trước khi tham gia các giải, theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe trong thời gian dài và bổ sung dinh dưỡng thường xuyên cần thiết.

“Quan trọng là mọi người tự trang bị kiến thức và biết lượng sức mình. Với mình, việc đề xuất ban tổ chức giải marathon tổ chức một buổi khám để sàng lọc sức khỏe runner ngay trước ngày diễn ra giải chạy là không cần thiết, tốn kém chi phí và thời gian”, anh nêu ý kiến.

Anh Ngô Công Quang, chủ nhiệm Câu lạc bộ cộng đồng 5h30 (TP.HCM), cũng cho rằng marathon không phải là cuộc đua đơn giản. Người tham gia cần có sức bền, được tích lũy từ quá trình tập luyện. Cơ thể cần thời gian đủ để thích nghi với một hoạt động dài.

Ban tổ chức của các giải chạy phải nhận thức rất rõ về trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn cho vận động viên. Ngoài đáp ứng các yêu cầu cần để xin giấy phép tổ chức, họ cần có những điều kiện đủ để xử lý sự cố nhanh nhất.

Về vận động viên, mỗi người phải tự lượng sức mình trước khi đăng ký chạy, cần luyện tập đều đặn và kiểm tra sức khỏe trước khi chạy. Điều quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể.

Đột tử khi chạy bộ gặp nhiều ở người trẻ

Chia sẻ với Tri thức – Znews, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên cấp cao bộ môn Tim mạch, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết môn thể thao chạy bộ hiện nay thu hút sự tham gia của nhiều người, vì vậy, tỷ lệ vận động viên gặp vấn đề sức khỏe, thậm chí đột tử do gắng sức quá mức cũng tăng lên.

“Chạy bộ ở Việt Nam phần lớn là chạy theo phong trào, có người chưa bao giờ luyện tập đã vội đăng ký chạy dài mà không kiểm tra sức khỏe trước khi chạy bộ. Hàng nghìn người như vậy thì khả năng có người đột tử rất cao”, PGS Nam nhận định.

Nhiều người đột tử khi chạy bộ có thể do mắc các bệnh tim mạch mà không hay biết. Ảnh: Unsplash.

Đột tử trong bộ môn chạy bộ thường xảy ra ở những người có bệnh lý về tim mạch. Họ không biết mình có bệnh hoặc biết nhưng có lý do nào đó khiến họ phớt lờ, vẫn tham gia.

Trong tim có hệ thống dẫn truyền giúp điều hòa nhịp tim, trong một số trường hợp, nhu cầu oxy cơ thể tăng cao mà tim đập không kịp, dẫn truyền bị rối loạn sẽ làm ngưng tim ngay lúc đó.

Ở những người thường xuyên luyện tập, khi nhịp tim tăng lên 140-150 nhịp/phút, họ vẫn chịu đựng được. Nhưng những người không vận động hoặc ít vận động, khi nhịp tim tăng nhanh như vậy khiến rung thất, rung nhĩ.

Khi đó máu không về tim kịp, cũng như đến các cơ quan khác, đặc biệt là không kịp đến đến mạch vành, gây ra co thắt mạch vành và họ tử vong vì nhồi máu cơ tim cấp. Bởi tính chuyên nghiệp cần có trong bộ môn chạy bộ đường dài, PGS Nam cho rằng cần bỏ tính chất phong trào của bộ môn này.

“Những giải chạy marathon nên được tổ chức cho vận động viên chuyên nghiệp hoặc bán chuyên, không nên dành cho người ít khi vận động”, PGS Nam bày tỏ quan điểm.

Theo nghiên cứu về các trường hợp ngừng tim trên đường chạy marathon được công bố năm 2012 trên New England Journal of Medicine, tạp chí y khoa lâu đời và uy tín hàng đầu thế giới, đột tử trên đường chạy marathon hay gặp ở khoảng 1/4 chặng đường cuối cuộc đua và trên nhóm người trẻ tuổi.

Cụ thể, độ tuổi trung bình của nhóm ngừng tim được cứu sống là 53, so với nhóm tử vong là 34. Những người tử vong có thể mắc các bệnh bẩm sinh như cơ tim phì đại.

Theo Hiệp hội Marathon Quốc tế, trước khi bắt đầu chạy, mọi người nên tự đánh giá sức khỏe bản thân qua bộ câu hỏi sau:

Bạn đã bao giờ bất tỉnh hoặc gần như ngất xỉu trong hoặc sau khi tập thể dục chưa?
Bạn đã bao giờ cảm thấy khó chịu, đau, tức ngực hoặc tức ngực khi tập thể dục chưa?
Tim bạn có từng đập nhanh hoặc đập không đều khi tập thể dục không?
Bác sĩ đã bao giờ nói rằng bạn có bất kỳ vấn đề nào về tim như huyết áp cao, tiếng thổi ở tim, cholesterol cao, nhiễm trùng tim hoặc bệnh Kawasaki chưa?
Bác sĩ đã bao giờ yêu cầu kiểm tra tim của bạn như điện tâm đồ hoặc siêu âm tim chưa?
Bạn có bị choáng váng hoặc cảm thấy khó thở khi tập thể dục không?
Bạn đã bao giờ bị co giật không rõ nguyên nhân?
Bạn có thấy mệt mỏi hoặc khó thở nhanh hơn bạn bè khi tập thể dục không?
Bạn có thành viên hoặc người thân nào trong gia đình tử vong vì các vấn đề về tim hoặc đột tử bất ngờ hoặc không rõ nguyên nhân trước 50 tuổi không?
Có ai trong gia đình bạn mắc bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim phì đại, hội chứng Marfan, bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp, hội chứng QT kéo dài, hội chứng QT ngắn, hội chứng Brugada?
Có ai trong gia đình bạn có vấn đề về tim, phải phẫu thuật cấy ghép thiết bị không?
Có ai trong gia đình bạn bị ngất xỉu, co giật không rõ nguyên nhân?

Nếu có bất kỳ yếu tố rủi ro nào được đề cập ở trên, mọi người nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và đánh giá.

Nguyễn Thuận – Linh Thùy