EU nỗ lực cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc bất chấp khác biệt trong vấn đề Ukraine

EU nỗ lực cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc bất chấp khác biệt trong vấn đề Ukraine

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von Der Leyen dự kiến thăm Trung Quốc trong tuần này. Ảnh: AFP

Một loạt nhà lãnh đạo châu Âu đã lên đường đến Bắc Kinh trong nỗ lực thúc đẩy đối thoại: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Tất cả đều đã đến thăm Bắc Kinh sau khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách kiểm soát dịch bệnh “Zero COVID” vào tháng 12/2022. Các chuyến thăm quan trọng khác của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen dự kiến diễn ra trong tuần này.

Tuần trước, bà Ursula von der Leyen thừa nhận rằng mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã trở nên “xa cách hơn và khó khăn hơn” trong những năm gần đây. Bà khẳng định: “Để hiểu nhau thì cần bắt đầu bằng việc nói chuyện với nhau”.

Mục tiêu của chuyến thăm tháng 12/2022 của ông Charles Michel là khôi phục đối thoại giữa EU và Trung Quốc. Và mục tiêu dài hạn là tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên tại Bắc Kinh vào tháng 6 hoặc tháng 7 tới đây, theo các nguồn tin ngoại giao.

Nhà ngoại giao hàng đầu phụ trách chính sách đối ngoại của EU là ông Josep Borrell cũng sẽ sớm đến thăm Trung Quốc.

Bà Valerie Niquet, người đứng đầu chương trình châu Á tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) của Pháp, nói với AFP: “Chúng tôi có thể thấy EU mong muốn thiết lập lại các mối liên hệ”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng việc thiết lập lại hoạt động kinh doanh như bình thường cũng có thể có lợi từ quan điểm của Bắc Kinh.

“Trung Quốc quan tâm đến EU vì hai lý do: về mặt kinh tế, đây là một thị trường thiết yếu. Và sau cùng, nó có thể là một cách để tránh áp lực của Mỹ ở nhiều cấp độ khác nhau, và đề phòng kịch bản phương Tây đoàn kết chống lại Trung Quốc”, bà Niquet nói.

Ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các cuộc họp ở Bắc Kinh tuần này là tình hình xung đột ở Ukraine.

Cả Tổng thống Macron và chính trị gia Ursula von der Leyen dường như đều muốn nhắc lại cam kết của EU đối với Ukraine trong các buổi làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong khi Trung Quốc tìm cách giữ vai trò trung lập trong cuộc chiến tranh ở Ukraine, việc Bắc Kinh từ chối lên án chiến dịch quân sự của Moskva vào tháng 2/2022 đã khiến phương Tây bất bình.

“Cách Trung Quốc tiếp tục tiếp cận với cuộc chiến ở Ukraine sẽ là yếu tố quyết định quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai”, Chủ tịch EC phát biểu vào tuần trước.

Chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình vào cuối tháng 3 đã được Bắc Kinh và Moskva ca ngợi là một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai quốc gia.

“Cách Trung Quốc can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine là một sự thất vọng đối với châu Âu”, một nhà ngoại giao châu Âu đang làm việc tại Bắc Kinh nói với AFP. Nhưng bà nghi ngờ rằng EU sẽ thuyết phục Trung Quốc thay đổi quan điểm của mình, bởi vì Bắc Kinh vẫn coi châu Âu là “em trai của Mỹ”.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao này nhận định việc nối lại các cuộc gặp trực tiếp giữa EU và Trung Quốc là một diễn biến tích cực.

Một chủ đề lớn khác sẽ được các nhà lãnh đạo thảo luận là sự mất cân bằng thương mại giữa hai bên. Bà Ursula von der Leyen cho rằng EU và Bắc Kinh cần cân bằng lại mối quan hệ này.

Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, nói thẳng thừng hơn: “Doanh số bán hàng của chúng ta rất tệ. Năm ngoái, chúng tôi chỉ vận chuyển 1,6 triệu container đến Trung Quốc, xuất khẩu giảm đáng kể. Còn Trung Quốc đã thành công ngoài sức tưởng tượng, vận chuyển 6,4 triệu container vào châu Âu”

Ông Wuttke cũng ước tính rằng các khoản đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc đã giảm tới 50%, ngoại trừ nhà sản xuất ô tô Đức BMW, gần đây đã đầu tư rất nhiều vào dự án phát triển xe điện ở nước này.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bị hoảng sợ bởi những quy định nghiêm ngặt chống dịch COVID-19 được áp dụng nhiều năm qua ở Trung Quốc, khiến các nhà máy thường xuyên phải đóng cửa và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Chúng cũng giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc, vốn chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2022, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Nhà ngoại giao châu Âu làm việc tại Bắc Kinh nói với AFP rằng bà tin rằng Trung Quốc sẽ nêu vấn đề về Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư đang bị đình trệ của EU – do tranh cãi về nhân quyền và các biện pháp trừng phạt – tại các cuộc họp quan trọng sắp tới.

Theo ông Wuttke, các công ty Trung Quốc rất muốn đầu tư vào châu Âu và đó là lý do tại sao Trung Quốc đang thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp định đầu tư này một lần nữa.

Nhưng theo nhà ngoại giao này, các điều kiện địa chính trị đã thay đổi rất nhiều kể từ khi kết thúc đàm phán vào năm 2020, vì vậy hiệp định đầu tư này không còn cơ hội tiến triển.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo AFP)