G7 cứng rắn với Nga

G7 cứng rắn với Nga

Bộ trưởng Ngoại giao nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7, gồm Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada) diễn ra tại thị trấn Karuizawa (Nhật Bản) từ ngày 16 đến 18-4, tập trung thảo luận nhiều vấn đề nóng trên thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa khẳng định thông qua hội nghị, G7 có ý nêu bật “quyết tâm mạnh mẽ” trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine chiếm phần lớn chương trình nghị sự của hội nghị hôm 17-4. Theo hãng tin Kyodo, các bộ trưởng ngoại giao G7 tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác để ngăn Nga tránh né các biện pháp trừng phạt kinh tế liên quan đến cuộc xung đột với Kiev, cũng như nhận hỗ trợ về vũ khí từ nước khác.

Ngoài ra, các bộ trưởng nhấn mạnh Nga phải rút mọi lực lượng khỏi Ukraine lập tức và vô điều kiện. Một quan chức tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Nhật Bản cho biết mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden tại hội nghị lần này là thúc đẩy ủng hộ dành cho Ukraine, trong đó có việc bảo đảm Kiev tiếp tục được hỗ trợ quân sự.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 nhóm họp tại thị trấn Karuizawa (Nhật Bản) hôm 17-4. Ảnh: Reuters

Những thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng được thảo luận nhiều tại hội nghị, trong đó nổi bật là sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Vai trò chủ tịch luân phiên G7 năm nay của Nhật Bản, thành viên châu Á duy nhất trong nhóm, mang đến cơ hội thảo luận về chính sách chung của nhóm liên quan đến Bắc Kinh.

Tại cuộc gặp diễn ra hôm 16-4, ông Hayashi thúc giục các nước G7 tiếp tục đối thoại với Trung Quốc về nhiều chủ đề quan trọng, như thương mại toàn cầu, tài chính, biến đổi khí hậu…

Theo ông Hayashi, các nước bên ngoài phải tiếp tục hướng đến mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh “hành động như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Một bận tâm của G7 là vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), nhất là khi Bắc Kinh mới kết thúc cuộc tập trận xung quanh hòn đảo này. “Leo thang quân sự ở eo biển Đài Loan sẽ là kịch bản kinh hoàng với cả thế giới” – Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerobock phát biểu tại Bắc Kinh hôm 14-4.

Phản ứng của G7 càng được quan tâm hơn nữa sau phát biểu mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Một số đồng minh của Pháp không hài lòng khi ông Macron nhận định sau chuyến thăm Trung Quốc rằng châu Âu nên tránh “những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”.

Trong động thái cho thấy không có sự chia rẽ nào, các bộ trưởng ngoại giao G7 đã tái khẳng định tầm quan trọng của “hòa bình và ổn định” trên eo biển Đài Loan

Những chủ đề khác được các bộ trưởng ngoại giao G7 thảo luận là tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và giải giới hạt nhân. Hội nghị dự kiến ra tuyên bố chung trong ngày họp cuối cùng (18-4). Đến tháng sau, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến nhóm họp tại TP Hiroshima – Nhật Bản.

Hoàng Phương