Hình ảnh sống động của một Quốc hội ‘Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết và Trách nhiệm’

Hình ảnh sống động của một Quốc hội ‘Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết và Trách nhiệm’

Tháng 5/2021, nước ta tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong bối cảnh thế giới đã trải qua gần 17 tháng chịu tác động của đại dịch COVID-19.

Thời điểm đó, Việt Nam cũng bước vào đợt bùng phát dịch thứ tư, các địa phương phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, số lượng người cách ly để điều trị và phòng dịch ngày càng lớn. Không ít người đặt vấn đề nên hoãn cuộc bầu cử tới thời điểm thích hợp hơn.

Tuy nhiên, sau khi bàn thảo kỹ càng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn quyết định tổ chức bầu cử đúng kế hoạch.

Với truyền thống từ ngàn đời nay của dân tộc, càng trong khó khăn lại càng đoàn kết, tìm mọi giải pháp để vượt qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng kịch bản cụ thể theo từng mức độ lây lan của dịch bệnh, với những bước triển khai bài bản, khoa học để bảo đảm cuộc bầu cử được tổ chức thành công, an toàn trong bất cứ bối cảnh nào.

Cả hệ thống chính trị, cử tri và nhân dân đều thể hiện sự đoàn kết, ủng hộ, tin tưởng cao đối với chủ trương của Đảng, Nhà nước về cuộc bầu cử.

Lần đầu tiên chúng ta tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử bằng hình thức trực tuyến.

Lần đầu tiên chúng ta tổ chức bầu cử trong các khu cách ly, tại các bệnh viện điều trị người nhiễm COVID-19, cho người cách ly tập trung để phòng dịch, bác sĩ và đội ngũ trên tuyến đầu chống dịch.

Lần đầu tiên chúng ta tổ chức bầu cử tại nhiều điểm trên quần đảo Trường Sa cùng ngày bầu cử với đất liền.

Và cuộc bầu cử đã được tổ chức thành công với tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao nhất trong lịch sử nước ta (99,6%).

Ngay sau khi kết thúc cuộc bầu cử, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã diễn ra với phương châm: nhanh nhất, ngắn nhất và phải đảm bảo chất lượng nhất.

Tinh thần đổi mới theo lời Chủ tịch Quốc hội khóa XV Vương Đình Huệ được thể hiện rất rõ nét ngay trong tuyên thệ nhậm chức và ngay tại kỳ họp thứ nhất, đặt nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội khóa XV.

Quốc hội đã nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dốc sức phòng, chống dịch COVID-19; chủ động ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả trước diễn biến phức tạp của đại dịch, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Đây được coi là sáng kiến lập pháp độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp; qua đó, đã trao quyền đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Chính phủ, Thủ tướng để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Tại kỳ họp thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất và áp dụng nhiều cải tiến, đổi mới tổ chức kỳ họp.

Theo đó, kỳ họp được tổ chức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung, chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định.

Một số đề xuất đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp như: chia tổ thảo luận; lần đầu tiên thử nghiệm biểu quyết điện tử; cải tiến công tác thư ký tổng hợp thảo luận tại tổ để có ngay các báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội… góp phần xây dựng Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, đổi mới, minh chứng cho sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

Đồng thời, việc này cũng bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các vị đại biểu Quốc hội, góp phần vào thành công chung của kỳ họp.

Thành công của kỳ họp thứ nhất và thứ hai đã khẳng định rõ vai trò, bản lĩnh, tầm nhìn bao quát của Chủ tịch Quốc hội – người đứng đầu cơ quan lập pháp, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với các vị đại biểu Quốc hội khóa XV để có được những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhìn nhận những đổi mới của Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, Quốc hội phản ứng rất nhanh và kịp thời trước các vấn đề của đất nước.

Một Quốc hội phản ứng nhanh như vậy nên kỳ họp bất thường được tổ chức rất nhiều, có lẽ từ trước đến nay chưa có nhiệm kỳ Quốc hội nào mới đi nửa chặng đường đã có 4 kỳ họp toàn thể bất thường.

Thực tiễn chứng minh nếu Quốc hội không cùng với Chính phủ có những quyết đáp nhanh chóng sẽ làm lỡ thời cơ của đất nước. Những nội dung bàn thảo tại các kỳ họp bất thường không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn có ý nghĩa quan trọng cho cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.

Điểm nhấn chính là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 8% GDP để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhìn từ góc độ lịch sử cho rằng, đặc điểm xuyên suốt từ khi thành lập nước đến nay là xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tuyệt đối.

Nhà sử học nêu rõ, với mô hình chính trị như vậy, tính dân chủ được thể hiện rõ ràng trong sinh hoạt Quốc hội, tiếng nói của Quốc hội không phải khép kín mà ngày càng mở rộng.

Nhận xét đó thể hiện rất rõ trong những sự kiện nổi bật trong hoạt động của Quốc hội khóa XV. Đó là: Căn cứ vào phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đã chỉ ra nhiều định hướng lớn và những nhiệm vụ quan trọng để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Quốc hội khóa XV cũng tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chủ động, kịp thời ban hành Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội với 107 nội dung, đề án cụ thể nhằm triển khai Nghị quyết.

Ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, theo đó Bộ Chính trị thông qua Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Đảng đoàn Quốc hội trình.

Đây là Đề án đầu tiên của Đảng đoàn Quốc hội nhiệm kỳ này trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua với sự tán thành cao. Đó là minh chứng rõ rệt của sự đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động, tích cực của Đảng đoàn Quốc hội trong việc khẩn trương thể chế hóa chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng, sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

Chính vì thế, Quốc hội có mặt ở tất cả những lĩnh vực của đời sống và sinh hoạt của Đất nước, của Nhân dân. Quốc hội không phải là sinh hoạt của hai kỳ họp toàn thể trong một năm mà là một bộ máy hoạt động thường xuyên nhưng có cơ cấu, cách vận hành phù hợp.

Tiếng nói Nhân dân thông qua những đại biểu dân cử được thể hiện tại những diễn đàn công khai hơn và diễn đàn ấy được tiếp nhận bởi những các phương tiện thông tin ngày càng hiện đại, theo hướng ngày càng mở, ngày càng minh bạch”, nguyên ĐBQH Quốc nói.

Theo ông, sự công khai, dân chủ sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn lịch sử nhất định, nhất là việc theo kịp với những thay đổi của khoa học công nghệ và hiện nay Quốc hội đang vận dụng một cách tối đa những công nghệ mới nhất.

Sự thể hiện “ý Đảng, lòng dân” là một thể hiện trong mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhân dân và cử tri cả nước. Bởi vậy, các vấn đề được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn luôn “trúng và đúng”, vừa có tính thời sự, cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong chất vấn và trả lời chất vấn, qua đó làm sáng tỏ nhiều vấn đề được Nhân dân và cử tri cả nước quan tâm.

Trò chuyện với Báo điện tử VTC News, nguyên ĐBQH Nguyễn Lân Dũng hơn một lần khẳng định đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội là “ý Đảng, lòng dân”.

NGND.GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng các kỳ họp Quốc hội hiện nay chất lượng hơn rất nhiều, các đại biểu bám sát cuộc sống và mạnh dạn hơn. Các đại biểu tham gia phiên họp với tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến và đại diện của Đảng và Nhà nước cũng thực sự lắng nghe.

Theo ông, qua phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước chứng tỏ họ sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân và cụ thể hóa thành đường lối, chính sách. Hình ảnh Quốc hội giống như Hội nghị Diên Hồng trước đây.

Bày tỏ sự tin tưởng với Quốc hội và các ĐBQH thời điểm hiện tại cũng như tương lai, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đang thực hiện tốt trách nhiệm mà Nhân dân mong muốn, thể hiện tiếng nói xác thực của nhân dân.

Tôi rất ủng hộ các đại biểu Quốc hội, kể cả các bạn rất trẻ, họ đang làm việc rất tốt, rất xứng đáng và tôi hy vọng Quốc hội ngày càng trưởng thành, ngày càng gần gũi với cuộc sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội hiện nay”, NGND.GS.TS Nguyễn Lân Dũng nói.