Hội nghị Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030: Đi sâu vào vấn đề cấp thiết của ngành thể thao

Hội nghị Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030: Đi sâu vào vấn đề cấp thiết của ngành thể thao

Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, thể thao thành tích cao Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ nét, khẳng định vị thế trong khu vực Đông Nam Á và bước đầu tiếp cận trình độ thể thao của châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự phát thể thao thành tích cao của nước ta so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn khi dù Việt Nam luôn là 1 trong 3 quốc gia có thành tích cao nhất tại khu vực Đông Nam Á nhưng không đạt được thành tích cao tại đấu trường thể thao châu lục và thế giới. Đây là đang vấn đề cấp thiết mà đòi hỏi ngành thể thao cần phải đổi mới về cả tư duy và cách làm.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt trình bày báo cáo Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030

Nguyên nhân được đánh giá chủ yếu là xuất phát từ sự cạnh tranh về thành tích thể thao ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia ở châu lục và thế giới. Ngoài ra, công tác đầu tư cho thể thao thành tích cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu để có thể đạt được thành tích, trình độ của châu lục và thế giới. Cùng với đó, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam nói chung, các vận động viên thể thao nói riêng còn hạn chế, thua kém nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới.

PGS.TS Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT cho biết, để khắc phục các vấn đề còn hiện hữu, cần xác định rõ mục tiêu và giải pháp. Về mục tiêu, ngành thể thao xác định rõ 3 mục tiêu tổng quát gồm: Tạo bước đột phá về thành tích thể thao tại các kỳ Thế vận hội (Olympic) và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD); Xây dựng hệ thống đào tạo vận động viên một cách khoa học, bền vững; tập trung đầu tư trọng điểm cho những vận động viên ưu tú tham gia thi đấu Thế vận hội (Olympic) 2024, 2028 và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2026 và 2030; Định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình để tập trung nguồn lực đầu tư, từ chuẩn bị lực lượng, công tác huấn luyện đến cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và ổn định nguồn kinh phí hoạt động thể thao thành tích cao đến năm 2030.

Các giải pháp được Cục trưởng Đặng Hà Việt đưa ra tại Hội nghị gồm hai nhóm giải pháp trước mắt, ngắn hạn và dài hạn.

Hội nghị có sự tham dự của trên 200 đại biểu khách mời là lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, các chuyên gia, cán bộ quản lý về TDTT…

Trong đó, với nhóm giải pháp trước mắt và ngắn hạn, cần nâng cao công tác quản lý về chuyên môn, dinh dưỡng, kỷ luật và cơ sở vật chất đối với các Trung tâm huấn luyện thể thao, các đội tuyển quốc gia.

Với nhóm giải pháp dài hạn, tập trung vào công tác xây dựng lực lượng thể thao thành tích cao; nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo; ứng dụng khoa học và công nghệ, chăm sóc y tế, hồi phục và chế độ dinh dưỡng cho vận động viên; xã hội hóa thể thao thành tích cao và đảm bảo nguồn lực về tài chính.

Kế hoạch cũng nêu rõ 2 giai đoạn thực hiện gồm: Giai đoạn 1 từ năm 2024 – 2026 và giai đoạn 2 từ 2027 – 2030.

Trong đó, giai đoạn 1 tập trung triển khai thực hiện việc xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo chuẩn bị lực lượng tham dự TVH Olympic 2024, SEA Games 2025 và ASIAD 2026. Đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất – kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao.

Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tập huấn và thi đấu trong nước và quốc tế. Chuẩn bị lực lượng tham dự các kỳ Đại hội thể thao Olympic 2028; Đại hội thể thao Châu Á 2030 và các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á 2027 và 2029.

Đi sâu vào những vấn đề thực tiễn

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng đóng góp những tham luận, ý kiến quan trọng với mục tiêu phát triển thể thao thành tích cao của Việt Nam.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị

GS.TS Lâm Quang Thành, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao nhận định, hiện nay, thể thao thành tích cao Việt Nam đã có sự phát triển khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tiến bộ hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhìn chung thành tích thể thao ở các môn thể thao Olympic còn thấp so với châu lục và thế giới, đặc biệt là công tác nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) thể thao trong đào tạo, huấn luyện vận động viên (VĐV), nhất là VĐV có trình độ cao, còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây là vấn đề cần được xây dựng và ứng dụng trong thời gian tới.

GS.TS Lê Quý Phượng, Trường Đại học TDTT TPHCM cho rằng, vấn đề chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe và phòng ngừa chấn thương có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong quy trình đào tạo vận động viên thành tích cao. Chỉ khi nào ngành TDTT kết hợp tốt công tác huấn luyện khoa học với chế độ chăm sóc sức khỏe phù hợp, tạo ra được khả năng thích nghi cao, cùng với đó là tăng cường trình độ tập luyện của VĐV, khi đó mới có sự phát triển thể thao thành tích cao một cách bền vững.

Giám đốc TTHLTTQG HN Nguyễn Mạnh Hùng nhận định để nâng cao thành tích thể thao trong giai đoạn từ 2024 đến 2030 có nhiều yếu tố, trong đó công tác quản lý đối với HLV, VĐV giữ vị trí vai trò quan trọng quyết định hiệu quả nâng cao thành tích thể thao. Theo đó, các vấn đề về tuyển chọn chuyên gia, bổ sung dinh dưỡng, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hay tâm lý chuyên môn và Kỹ chiến thuật Thể thao theo đặc thù từng môn cho VĐV là một trong những vấn đề quan trọng cần triển khai.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Phạm Thế Triều cho biết, so với tình hình hiện nay, thì việc vận động tài trợ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa mang tính bền vững. Việc xã hội hóa còn mang tính phụ thuộc, được chăng hay chớ, mang tính xin cho, dựa vào các mối quan hệ là chính. Để có thể tự chủ trong mọi hoạt động, Liên đoàn cần có nguồn thu bền vững. Từ các nguồn thu ổn định thu được hàng năm, Liên đoàn sẽ hỗ trợ trong việc tập huấn cho các VĐV, tổ chức các giải thi đấu, thưởng khi VĐV đạt thành tích cao…

Ước mơ cần đi liền hành động

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc giải “bài toán” cho thể thao thành tích cao không phải là chuyện “một sớm một chiều” mà cần có lộ trình, bước đi, nguồn lực, tổ chức rõ ràng. Các nhà quản lý thể thao Việt Nam cần phải nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn, đồng thời cần nhìn thẳng, nhìn thật vào những thiếu sót với thái độ cầu thị, khiêm tốn, không tranh công, không đổ lỗi, không đổ thừa trách nhiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

“Qua các ý kiến, báo cáo, tôi thấy rằng, phần chung đều thể hiện sự nhất trí cao với nhóm 6 nhiệm vụ ngành TDTT xây dựng. Chúng ta đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm. Những ý kiến, tham luận của các đại biểu đã tạo thêm điểm nhấn, điểm sáng và đều là những ý kiến thẳng thắn quý báu, đáng trân trọng” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng yêu cầu ngành TDTT trong thời gian tới phải tập trung chấn chỉnh công tác đào tạo, tính toán từ cấp tỉnh đến ngành đến hình thành các cấp độ đội tuyển. Trong đó, đặc biệt chú ý quy trình tuyển chọn đào tạo cần mang tính hệ thống, bố trí điểm tập huấn tập luyện hợp lý với từng môn. Đây là yếu tố nền tảng.

Tiếp theo, ngành TDTT cần tập trung rà soát cơ sở vật chất từng Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, từng địa phương để xác định thế mạnh, bố trí đội tuyển phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc tại ASIAD 19 vừa qua

“Yếu tố tiếp theo, chúng ta phải chọn danh mục thể thao trọng điểm, từ đó lựa chọn các VĐV trọng điểm đào tạo theo hướng từ sớm, từ xa. Hiện chúng ta xác định có 9 môn thể thao trọng điểm thì từng bộ môn phải lựa chọn được những VĐV trọng điểm và xây dựng danh sách tương ứng như tập luyện tại cơ sở đào tạo nào? do HLV nào phụ trách?… Chúng ta không thiếu nhân tài. Đây là giải pháp trọng tâm đột phá để nâng tầm” – Bộ trưởng chỉ rõ.

Cuối cùng, Bộ trưởng yêu cầu ngành TDTT cần đẩy mạnh công tác ứng dụng Công nghệ thông tin vào tập luyện, đào tạo thể thao thành tích cao, đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương để khai thác thế mạnh mỗi vùng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao Cục TDTT rà soát lại tính hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó báo cáo lãnh đạo Bộ sửa đổi, bổ sung với những văn bản quy phạm chưa phù hợp trong phạm vi của Bộ.

“Ước mơ phải đi liền hành động, nếu chỉ ngồi than vãn, chê trách, đổ lỗi thì không bao giờ có thể thao thành tích cao. Hy vọng rằng, Hội nghị dù ngắn nhưng cũng giúp chúng ta “vỡ” ra nhiều điều. Sau Hội nghị, tôi yêu cầu Cục TDTT phải hoàn thiện, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nâng tầm thể thao thành tích cao, bắt đầu từ kế hoạch ngắn hạn, làm từ việc nhỏ đến lớn” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bạch Dương