Kết quả quan trắc hỗ trợ để quản lý tài nguyên, môi trường hiệu quả

Kết quả quan trắc hỗ trợ để quản lý tài nguyên, môi trường hiệu quả

Lắp đặt thiết bị quan trắc chất lượng nước sông -Ảnh: H.N.K

Kết quả quan trắc các thành phần môi trường và tài nguyên 6 tháng đầu năm 2023 đã đem lại những kết quả như sau: đối với chất lượng nước sông, phần lớn các thông số đều nằm trong giới hạn B1 theo QCVN08-MT:2015/BTNMT. Riêng thông số NO2-N có 7/108 mẫu vượt giới hạn, chiếm tỉ lệ 6,5%, chủ yếu vào tháng 5, tại các điểm trên sông Sa Lung, Bến Hải và hạ lưu sông Thạch Hãn.

Đối với xâm nhập mặn tại hệ thống sông Thạch Hãn, kết quả quan trắc từ tháng 3 đến tháng 6 cho thấy, xâm nhập mặn đã lên đến chân đập Trấm từ tháng 4, độ mặn tại đây ghi nhận cao nhất là 10,5g/L vào tháng 6.

Tại nhánh sông Hiếu, xâm nhập mặn lên đến chân đập ngăn mặn sông Hiếu, độ mặn quan trắc được tại Trạm thủy văn Đông Hà trung bình dao động trong khoảng 7,9-19,0g/L, cao nhất vào tháng 6 (19,0g/L) và thấp nhất vào tháng 4 (7,9g/L). Đối với xâm nhập mặn tại hệ thống sông Bến Hải ghi nhận lên đến vị trí cách cầu Tiên An 7 km về phía thượng nguồn.

Độ mặn trung bình tại đây dao động từ 5,7-13,1g/L, cao nhất vào tháng 6 (13,1g/L) và thấp nhất vào tháng 4 (5,7g/L). Tại nhánh sông Sa Lung, xâm nhập mặn ghi nhận đã lên đến chân đập sông Sa Lung, độ mặn trung bình dao động từ 6,07-12,2g/L, cao nhất vào tháng 6 (12,2g/L), thấp nhất vào tháng 5 (6,07g/L).

Về chất lượng nước hồ, phần lớn thông số đều nằm trong giới hạn B1 theo QCVN08-MT:2015/BTNMT(QCVN 08). Riêng thông số NO2-N tại vị trí hồ Lao Bảo, thông số PO4-P tại các vị trí quan trắc hồ Trung Chỉ, hồ Khe Mây, hồ Đại An và hồ Nam Hào, hồ Fidel tại thời điểm quan trắc có kết quả cao và vượt giới hạn B1 của QCVN08.

Cụ thể, thông số TOC có 15/30 mẫu vượt giới hạn A1 của QCVN08 (sử dụng cho mục đích sinh hoạt, bảo tồn thủy sinh), chiếm 50%, chủ yếu là các hồ trong khu vực đô thị; thông số NO2-N có 3/30 mẫu vượt giới hạn B1 của QCVN08, chiếm 10% tổng số mẫu, chủ yếu tại hồ Lao Bảo và hồ Nam Hào; thông số PO3-P có 6/30 mẫu vượt giới hạn B1 của QCVN08, chiếm 20% tổng số mẫu, chủ yếu tại các hồ Trung Chỉ, Nam Hào, Đại An, Khe Mây, hồ Fidel thuộc thành phố Đông Hà, cao nhất vào thời điểm quan trắc tháng 5.

Đối với chất lượng nước dưới đất, kết quả quan trắc 6 tháng đầu năm 2023 nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN09- MT:2015/BTNMT(QCVN09). Chất lượng nước đảm bảo cung cấp cho nhiều mục đích khác nhau.

Tuy nhiên, chất lượng nước tại một số điểm có sự suy giảm đáng kể chất chất lượng nước như khu vực nuôi tôm 2 xã Triệu Vân và Triệu An, huyện Triệu Phong, chất lượng nước tại các khu vực này đã bị nhiễm mặn, nồng độ các thông số khoáng hóa như TDS, SO42-, độ cứng tổng số, Mn vượt giới hạn nhiều lần, chất lượng nước có dấu hiệu ô nhiễm amoni tại nhiều khu vực vùng trũng Hải Lăng, Triệu Phong.

Chất lượng nước biển ven bờ 6 tháng đầu năm 2023 đều cho thấy, các thông số quan trắc nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN10-MT:2015/ BTNMT. Các thông số quan trắc tương đối ổn định từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023. Chất lượng nước thải tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phần lớn đều nằm trong giới hạn B theo QCVN14:2008/ BTNMT(QCVN14). Riêng đối với thông số tổng Coliform tại thị trấn Cam Lộ và Lao Bảo vượt giới hạn QCVN14 (cột B) từ 4-24 lần vào tháng 4.

Đối với chất lượng môi trường không khí, phần lớn các thông số quan trắc 6 tháng đầu năm 2023 đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05: 2013/ BTNMT (QCVN05), QCVN26: 2010/ BTNMT (QCVN26), QCVN27: 2010/ BTNMT (QCVN27).

Tuy nhiên, tại một số vị trí thuộc các tuyến giao thông chính thuộc Quốc lộ 1, Quốc lộ 9D nồng độ bụi tổng trung bình 1 giờ thường xuyên có kết quả xấp xỉ và vượt giới hạn cho phép theo QCVN05. Đối với khu vực khu/cụm công nghiệp, tiếng ồn, bụi lơ lửng và nồng độ khí độc có kết quả thấp hơn so với các vị trí của khu vực đô thị, giao thông.

Thông số bụi tổng có 16/78 mẫu xấp xỉ và vượt giới hạn theo QCVN05, chiếm tỉ lệ 20,5%, cao nhất vào tháng 6, tập trung chủ yếu tại điểm thuộc tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, nồng độ bụi tổng lớn nhất tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay vào tất cả các đợt quan trắc.

Kết quả quan trắc chất lượng đất 6 tháng đầu năm 2023 chưa có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng và tồn dư dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Hàm lượng các kim loại nặng trong đất đều đạt giới hạn QCVN03-MT:2015/BTNMT, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhóm clo hữu cơ và nhóm lân hữu cơ đều nằm trong giới hạn QCVN15:2008/BTNMT.

Kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất, hầu hết các điểm quan trắc vùng đồng bằng có mực nước cao hơn so với các khu vực khác. Mực nước cao nhất ghi nhận được tại giếng quan trắc Khu công nghiệp Nam Đông Hà vào thời điểm quan trắc tháng 4 có giá trị 23,2m.

Mực nước dưới đất thấp nhất tại khu vực nuôi tôm xã Vĩnh Thái vào thời điểm quan trắc tháng 4 có giá trị là 6,6m.

Qua kết quả quan trắc mực nước trung bình các sông trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 đều thấp do lượng mưa trung bình tháng 5 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Điều này phù hợp với tổng lượng mưa trong tháng 5 năm 2023 lớn nhất tại Trạm thủy văn Đakrông đạt 175,2mm và thấp nhất tại Trạm thủy văn Mỹ Chánh đạt 59mm.

Lâm Khanh