Khi ngôi sao hạng A hết cửa quay lại showbiz vì lệnh phong sát

Khi ngôi sao hạng A hết cửa quay lại showbiz vì lệnh phong sát

Những ngày qua, thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) ban hành quyết định về việc cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 – 2025 thu hút sự quan tâm của dư luận.

Diễn viên Hữu Tín bị truy tố vì tổ chức sử dụng ma túy

Vấn đề cấm sóng được quan tâm giữa bối cảnh vài năm gần đây, làng giải trí trong nước liên tục xảy ra scandal ở nhiều lĩnh vực như: Nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, nghệ sĩ dùng mạng xã hội đăng thông tin sai sự thật, tình trạng nhạc “rác”, nhảm tràn lan, các vấn đề lùm xùm liên quan đến hoạt động thiện nguyện.

Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo…

Trước khi cơ quan quản lý Việt Nam đưa ra quy định nhằm “siết chặt” hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ vi phạm pháp luật, vướng bê bối đời tư, Hàn Quốc và Trung Quốc là nơi từng chứng kiến nhiều ngôi sao bị “phong sát” vì vướng bê bối.

Trung Quốc: Càng được hưởng đặc quyền, càng bị giám sát chặt chẽ hơn

Từ tháng 11/2020, Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã ban hành văn bản về vấn đề “phong sát” (cấm hoạt động nghệ thuật, xuất hiện trên truyền hình, xuất hiện trước công chúng) với người nổi tiếng.

Triệu Vy, Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Phạm Băng Băng (từ trái sang) là những ngôi sao hạng A “ngã ngựa” vì lệnh phong sát

Cơ quan này yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn những nghệ sĩ vi phạm pháp luật và thiếu đạo đức xuất hiện trước công chúng.

Hiệp hội Công nghiệp biểu diễn Trung Quốc cũng nhấn mạnh, nghệ sĩ có các hành vi như kích động thù địch, lừa dối khán giả, vi phạm pháp luật, đạo đức sẽ bị lên án và khiến họ bị cấm biểu diễn, xuất hiện trên truyền hình trong 1-5 năm hoặc vĩnh viễn.

Theo Sina, khán giả luôn cho rằng nghệ sĩ là những người được hưởng nhiều đặc quyền. Họ kiếm tiền dễ dàng, làm việc một tháng có thể bằng nhiều người kiếm sống cả đời, mức thu nhập chênh lệch quá lớn khiến dư luận luôn bức xúc.

Do đó, các cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc khẳng định: “Không có sự khác biệt giữa người nổi tiếng và công chúng, càng được hưởng đặc quyền, sẽ càng bị giám sát chặt chẽ hơn”.

Chỉ trong vòng 3 năm qua, 9 ngôi sao hạng A của Cbiz sụp đổ sự nghiệp chỉ trong vài ngày như: Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng, Lý Dịch Phong, Trương Triết Hạn, Phạm Băng Băng, “hoàng tử nhạc cổ phong” Hoắc Tôn, “thiên tài piano” Lý Vân Địch…

Họ hoặc trốn thuế, hoặc lừa đảo trên thị trường chứng khoán, hoặc vi phạm đạo đức nghiêm trọng (từ bỏ con ruột), hoặc bị bắt vì tấn công tình dục…

Trước đó, họ vốn được coi là nghệ sĩ lớn, có quyền lực với mối quan hệ rộng rãi, lượng người hâm mộ hùng hậu lên tới hàng chục triệu người, tưởng chừng luôn đứng trên đỉnh cao danh vọng.

Từ việc là ngôi sao đang được hâm mộ nhất, họ có thể bị tất cả quay lưng, từ người hâm mộ, khán giả, đến nhãn hàng, đoàn phim, đồng nghiệp trong giới.

Ngoài hình thức cấm sóng, tờ Renmin Wang còn đề xuất rằng, hình phạt quan trọng với “nghệ sĩ bê bối” là buộc họ bồi thường kinh tế lớn.

“Người của công chúng được hưởng lợi từ sức ảnh hưởng xã hội, cũng cần chịu trách nhiệm tương ứng nếu gây hậu quả từ các hành vi không lành mạnh… Đánh mạnh vào kinh tế sẽ làm họ chú ý hành vi của mình hơn, những sự “nhiễu loạn” ở làng giải trí sẽ được khống chế hiệu quả”, Renmin Wang cho hay.

Hàn Quốc quá nhanh chóng trong việc “xóa sổ” nghệ sĩ

Ở Hàn Quốc cũng vậy, họ có tiêu chuẩn rất khắt khe. Nghệ sĩ vi phạm pháp luật và dính bê bối đời tư là điều cấm kỵ.

Để hạn chế giới trẻ học theo thói xấu, nghệ sĩ Hàn Quốc vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức của xã hội sẽ bị tẩy chay, cấm sóng, cấm diễn.

Tại Hàn Quốc, hàng loạt quy định khắt khe cũng được đặt ra với mục đích quản lý nghiêm, chấn chỉnh các hoạt động của nghệ sĩ

Cơ quan ban hành và triển khai lệnh cấm sóng, cấm diễn tại Hàn Quốc là đài phát thanh, truyền hình; công ty quản lý nghệ sĩ, công ty truyền thông, quảng cáo… Các đài phát thanh, truyền hình lớn (KBS, SBS, MBC) sẽ lập hội đồng thẩm định xem xét và đưa ra khuyến cáo về “danh sách đen” với thời gian áp dụng từ vài năm cho tới vĩnh viễn.

Đơn cử, trốn tránh nghĩa vụ quân sự; sử dụng thuốc theo thói quen và hút cần sa; gian lận, trộm cắp, đánh bạc; hành hung và quấy rối tình dục; các trường hợp truy tố dân sự, hình sự khác; gây rối đạo đức công cộng và trật tự xã hội là những trường hợp bị cấm lên sóng theo quy định của Ủy ban Đánh giá Quy chế Xuất hiện Phát sóng của KBS.

Không chỉ bị cấm sóng và tạm ngừng hoạt động, nghệ sĩ còn bị khán giả tẩy chay gần như suốt cuộc đời. Hiếm người có thể trở lại ngành giải trí sau khi vướng vào lùm xùm đời tư.

SCMP thậm chí còn phải thừa nhận: “Nước nào cũng có văn hóa tẩy chay, nhưng Hàn Quốc thực sự quá nhanh chóng trong việc “xóa sổ” nghệ sĩ đó khỏi các hoạt động”.

Gần đây nhất, phát thanh viên Jung Yoon Jung cũng nhận “trái đắng” khi văng tục trên một chương trình truyền hình do Hyundai Home Shopping sản xuất, phát sóng trên đài SBS, hồi tháng 1/2023.

Đến ngày 3/4, Hyundai Home Shopping đã thông báo đuổi Jung Yoon Jung và quyết định cấm vô thời hạn với nữ MC. Ba công ty phát sóng khác là Lotte, Huyndai và CJ cũng hủy bỏ lịch trình của nữ MC trong ít nhất 2 tuần, theo Wowtv.

Ngoài ra, Kim Sae Ron bị KBS cũng bị ra lệnh cấm sóng sau bê bối say rượu và đâm vào cột điện. Yoo Ah In cũng bị hạn chế xuất hiện trên KBS vì nghi ngờ sử dụng ma túy, từ ngày 15/3, theo Star News .

Trong những năm gần đây, công chúng xứ kim chi đã tẩy chay rất nhiều ngôi sao vướng scandal như: Seo Ye Ji sau lùm xùm kiểm soát tình cũ Kim Jung Hyun, từng bạo lực học đường, phẫu thuật thẩm mỹ, bắt nạt nhân viên đoàn làm phim đến cả chuyện nói dối về trình độ học vấn…

Cuối năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) từng ban hành Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ để “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”. Đây là khung về quy tắc ứng xử chứ không phải quy phạm pháp luật nên không có phần xử phạt, không có chuyện cấm sóng các nghệ sĩ.

Một số nghệ sĩ như NSND Lê Tiến Thọ, nhà văn Y Ban… nhận xét văn bản còn chung chung, chưa có mức phạt cụ thể nên không có tính răn đe.

Theo ông Trần Hướng Dương – Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, một quy chế xử lý những trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử của nghệ sĩ đang được xây dựng.

Dự kiến, Bộ VH,TT&DL, Bộ Công an và Bộ TT-TT sẽ cùng hoàn thiện dự thảo này vào khoảng tháng 10 tới.

Bạch Dương