Lan tỏa yêu thương từ mô hình ‘Hũ gạo tiết kiệm’

Lan tỏa yêu thương từ mô hình ‘Hũ gạo tiết kiệm’

Nhân lên những hành động đẹp

Cùng nhau bớt lại 1- 2 bơ gạo tại các điểm máy xay xát, hay mỗi bữa ăn bớt một vài nắm gạo là những việc làm thiết thực mà chị em phụ nữ huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã lan tỏa thực hiện để hưởng ứng mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”.

Mới hơn 8 giờ sáng, cơ sở xay xát lúa của chị Nguyễn Thị Hà (thôn 1, xã Thạch Sơn, Anh Sơn) có khá đông chị em đến xay xát. Như đã trở thành thói quen, mỗi lần xay xong, người dân nơi đây lại thực hiện một động tác quen thuộc là bớt lại 1-2 bơ gạo cho vào xô nhựa, bên ngoài được ghi dòng chữ: “Hũ gạo tiết kiệm”.

Hơn 5 năm nay, điểm máy xay xát của anh Trần Văn Mạnh (thôn 4, xã Thạch Sơn) cũng trở thành điểm đến của nhiều chị em phụ nữ. Chẳng ai bảo ai, khi xay xát xong, chị em phụ nữ đều bớt lại một vài bơ gạo cho vào “Hũ gạo tiết kiệm” đã đặt sẵn ở một góc. Còn chị em nào trong tháng không đi xay gạo thì cũng tự xách gạo đến để đóng góp.

Tham gia mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” từ năm 2017 đến nay, chị Nguyễn Thị Thỏa vẫn giữ thói quen như ngày đầu. Cứ khi nào đến chỗ xay gạo, chị lại cân đủ 1kg, hôm nào xay nhiều thì góp 2 – 3kg vào “Hũ gạo tiết kiệm”.

Cùng nhau bớt lại 1- 2 bơ gạo là những việc làm thiết thực mà chị em phụ nữ huyện Anh Sơn đã lan tỏa thực hiện để hưởng ứng mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”

“Phụ nữ ở nông thôn chủ yếu sống với ruộng vườn, ở đây tiền thì không sẵn, nhưng lúa gạo dồi dào. Vậy nên, khi chị em triển khai mô hình vận động góp gạo, ai nấy cũng đều đồng ý ngay”, chị Thỏa tâm sự.

Chị Trần Thị Thắm – Chủ tịch hội LHPN xã Thạch Sơn (Anh Sơn), cho biết: Mỗi lần đến xay xát, người ít người nhiều đều tự nguyện góp gạo. Khi thùng gạo này đầy, Chi hội và chủ máy xay lại đổ ra, đóng gói và hỗ trợ cho các trường hợp hội viên, phụ nữ khó khăn trong thôn. Trong đó, ưu tiên nhất là những bà mẹ già, trẻ neo đơn… Các trường hợp khó khăn này đều do các hội viên, phụ nữ trong thôn bình xét để hỗ trợ. Hiện nay, Chi hội nhận hỗ trợ gạo ăn hàng tháng cho 4 trường hợp khó khăn với mức hỗ trợ 10 kg gạo/người.

Tại xã Hoa Sơn (huyện Anh Sơn) cũng vậy, mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” đều được chị em phụ nữ hưởng ứng.

“Chi hội hiện có gần 140 hội viên, 100% chị em là đồng bào dân tộc Thái, chủ yếu làm nông nghiệp, bám rẫy lội đồng. Thế nhưng hàng tháng vào ngày 15, chị em đều dành thời gian để đi góp gạo. Mô hình này đã được Chi hội duy trì nhiều năm nay và được chị em hưởng ứng rất nhiệt tình”, Chị Lữ Thị Sửu – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xã Hoa Sơn chia sẻ.

Không chỉ ở xã Thạch Sơn, Hoa Sơn mà ở xã Hùng Sơn, chị em phụ nữ cũng có cách làm hay, sáng tạo để tiết kiệm gạo giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Với chị Đậu Thị Hương (ở thôn Quang Tiến, xã Hùng Sơn) như một thói quen, từ nhiều năm nay, mỗi khi đong gạo thổi cơm, chị không quên cho từ 1 – 3 nắm gạo vào hũ gạo tiết kiệm. Có khi phải cả tháng, hũ gạo mới đầy. Thế nhưng, chị Hương vẫn tin tưởng việc làm của mình cùng các chị em trong Chi hội sẽ góp sức giúp đỡ được nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ gạo từ mô hình “hũ gạo tiết kiệm”

Chị Hương chia sẻ: “Cứ mỗi bữa vo gạo nấu cơm, tôi đều bớt lại một nắm gạo để bỏ vào “Hũ gạo tiết kiệm” của gia đình. Vào kỳ sinh hoạt hàng tháng, tôi lại đổ ra mang gạo đến góp vào “hũ gạo” chung của Chi hội. Sau khi thu gom, số gạo này được trao tận tay cho những hội viên nghèo, những hội viên có hoàn cảnh không may trong cuộc sống. Kể từ ngày có mô hình này, nhiều gia đình nghèo, người già cô đơn trong xã đã vơi bớt nhọc nhằn để vững bước hơn trong cuộc sống, và cũng qua đó, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt”.

Đong đầy hũ gạo tình thương

Trên đường dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình hội viên khó khăn được hỗ trợ gạo, chị Trần Thị Thắm – Chủ tịch hội LHPN xã Thạch Sơn, chia sẻ: Ở vùng quê thuần nông này, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành nếp sống thường ngày. Nhiều gia đình, nhiều hội viên dù vẫn còn bộn bề lo toan cuộc sống, kinh tế còn thiếu thốn, nhưng vẫn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo để họ phần nào vơi bớt nhọc nhằn trong cuộc sống.

Có mặt tại gia đình chị Lê Thị Hoài (ở thôn 4, xã Thạch Sơn), một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ gạo từ “Hũ gạo tiết kiệm” mới thấy hết ý nghĩa mà mô hình này đem lại. Chị Hoài sống đơn thân, lại bị tàn tật nên không thể lao động được. Thương gia cảnh gia đình chị khó khăn, từ năm 2020 đến nay, hội LHPN xã Thạch Sơn đã nhận hỗ trợ gạo ăn hàng tháng cho chị Hoài.

Những bơ gạo nặng đẫm tình người, đầy đẹp đẽ…

Bà Nguyễn Thị Quang (ở thôn Cẩm Lợi, xã Cẩm Sơn) là hội viên phụ nữ nghèo, tuổi cao, sức khỏe yếu, lại có con trai là Phan Hồng Hùng (30 tuổi), bị bệnh co giật không thể tự lo cho bản thân được, cuộc sống gia đình rất vất vả.

Bà Quang chia sẻ: “Hai năm nay gia đình tôi được nhận hỗ trợ gạo từ mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, từ đầu năm đến nay đã được hỗ trợ 50 kg gạo. Đối với tôi, số gạo đó rất đáng quý, nặng nghĩa tình, bởi đó là tấm lòng chị em đóng góp từng nắm gạo để giúp mẹ con tôi vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” ở Anh Sơn không chỉ hướng đến giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, mà còn giúp đỡ nhiều đối tượng như người già neo đơn, trẻ em hay gia đình gặp hoạn nạn…

Đến thăm gia đình em Nguyễn Văn Toàn (ở thôn Hợp Tiến, xã Hùng Sơn, Anh Sơn), một trong những hoàn cảnh được hội LHPN xã hỗ trợ gạo 5 năm nay. Hoàn cảnh em Toàn rất đáng thương, bố đi tù, sau đó mẹ cũng bỏ đi biệt tăm, em bơ vơ không nơi nương tựa và được bà ngoại đón về ở cùng.

Hũ gạo tiết kiệm đã nhận nuôi nhiều cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện Anh Sơn

Trước hoàn cảnh đó, hội LHPN xã đã nhận hỗ trợ 2 bà cháu mỗi tháng 15 kg gạo và vào đầu năm học mới đều mua sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho Toàn.

Mô hình ngày càng lan tỏa

Mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” tập trung ở các điểm máy xay xát được hội LHPN xã Thạch Sơn phát động từ năm 2017, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các chị em hội viên phụ nữ.

Chị Trần Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Sơn (Anh Sơn), cho biết: Toàn xã hiện có hơn 800 hội viên ở 7 chi hội, trên 20% hội viên là đồng bào công giáo. Thực tế hiện nay dù cuộc sống của người dân đã được nâng lên, nhưng vẫn còn nhiều gia đình hội viên phụ nữ, trẻ em mồ côi hoàn cảnh rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Họ già cả, tàn tật, sống cô đơn không nơi nương tựa, không còn sức lao động, không thể trồng trọt, chăn nuôi. Có người hàng tháng chỉ trông chờ vào tiền phụ cấp xã hội, có người đang lành lặn khỏe mạnh nhưng không may gia đình gặp hoạn nạn, rủi ro như bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động… rơi vào nghèo túng, kiệt quệ kinh tế. Đây chính là những đối tượng rất cần sự giúp đỡ để ổn định cuộc sống.

Từ khi đặt “Hũ gạo tiết kiệm” tại các cơ sở xay xát, chẳng ai bảo ai, mỗi lần đi xay xát, các cán bộ, hội viên phụ nữ trong xã đều tự nguyện bớt lại một, hoặc hai bơ gạo để bỏ vào. Ðịnh kỳ vào hàng tháng, chi hội phụ nữ và chủ các cơ sở xay xát sẽ đóng gói để tiến hành bình xét hỗ trợ cho những hộ gia đình nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm 2023, chị em xã Thạch Sơn đã tiết kiệm được hơn 300 kg gạo, từ đó giúp đỡ được hơn 40 gia đình có người già cả, neo đơn, khốn khó trong xã.

Mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” ngày càng được hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn huyện

Chị Phạm Thị Hồng Thảo – Chủ tịch hội LHPN huyện Anh Sơn (Nghệ An), cho biết: Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn huyện đã vận động ủng hộ được 8.593 kg gạo, trị giá hơn 127 triệu đồng từ mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”; gần 230 triệu đồng tiền mặt từ mô hình “Ống tiền tiết kiệm”; thu gom 9.138 kg phế liệu bán được 85 triệu đồng. Tổng giá trị gạo, tiền mặt và phế liệu vận động được là hơn 440 triệu đồng.

Ngoài các hình thức tiết kiệm nói trên, Hội LHPN huyện đã thành lập và duy trì các tổ, nhóm tiết kiệm vì phụ nữ nghèo để giúp chị em phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đến nay, toàn huyện có có 256 tổ tiết kiệm giúp nhau vốn phát triển kinh tế với 13.553 thành viên, tại 155 Chi hội phụ nữ, số tiền tiết kiệm đến nay đã hơn 1,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 257 chị em vay để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…

Ðồng thời, các cấp hội còn vận động hội viên có kinh tế khá giúp đỡ phụ nữ nghèo bằng cách cho mượn cây, con giống, phân bón… Các hình thức tiết kiệm nói trên đã thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống cộng đồng, tạo điều kiện cho rất nhiều gia đình hội viên khó khăn từng bước thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Và điều quan trọng hơn cả là qua phong trào thực hành tiết kiệm theo tấm gương Bác Hồ đã thể hiện được tình thương yêu, đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau của chị em phụ nữ.

Quang Anh – Thái Hiền