‘Lò thiêu’ vũ khí

‘Lò thiêu’ vũ khí

Minh họa/INT

Mức độ khốc liệt của cuộc chiến tại Ukraine và tốc độ tiêu thụ vũ khí đạn dược ở mức rất cao của nước này đang làm lộ ra lỗ hổng về chiến lược quốc phòng và ngành công nghiệp vũ khí của cả châu Âu.

Trong gần 2 năm viện trợ vũ khí không ngừng nghỉ cho Ukraine, hàng loạt đồng minh thân cận tại châu Âu đang dường như “bừng tỉnh” về thực tế có nguy cơ cạn kiệt kho vũ khí của mình.

Tốc độ tiêu thụ vũ khí của chiến trường Ukraine đã khiến những bất cập trong việc nhiều thập kỷ giảm ngân sách quốc phòng và thiếu đầu tư cho công nghiệp vũ khí ở nhiều nước châu Âu bị phơi bày.

Một trong những nước viện trợ nhiều vũ khí nhất cho Ukraine là Anh, chỉ đứng sau Mỹ, đồng thời cũng là nước chi tiêu nhiều tiền nhất cho quốc phòng tại châu Âu. Tuy nhiên, theo thông tin trên tờ Wall Street Journal, hiện nay Anh chỉ còn khoảng 150 xe tăng và hơn 10 hệ thống pháo tầm xa đủ điều kiện tác chiến ngay lập tức.

Kho vũ khí hạn chế của Anh đã khiến nước này từng phải cân nhắc trưng dụng cả hệ thống rocket phóng loạt đang trưng bày trong viện bảo tàng để viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, ý tưởng gây sốc được đưa ra hồi năm ngoái này đã bị bác bỏ. Tình trạng thiếu vũ khí đã khiến Anh phải điều chỉnh kế hoạch viện trợ cho đồng minh Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Quốc gia đứng thứ hai về chi tiêu quốc phòng ở châu Âu là Pháp cũng đang đối diện thực tế không khả quan hơn, khi chỉ còn chưa đến 90 hệ thống pháo hạng nặng có thể sử dụng ngay.

Nước đứng thứ ba về chi tiêu quốc phòng là Đức thậm chí bị cảnh báo chỉ còn sở hữu kho đạn đủ dùng cho 2 ngày nếu chiến sự quy mô lớn xảy ra. Số xe tăng của Đức hiện có khoảng 200 chiếc, trong đó chỉ khoảng 50% đủ điều kiện ra chiến trường.

Trong bối cảnh đó, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) từng cam kết viện trợ 1 triệu quả đạn pháo các loại cho Ukraine trong năm 2023. Nhưng thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2023 thì các nước EU mới thực hiện được khoảng 1/3 kế hoạch. Trong khi đó, quân đội Ukraine có ngày cao điểm bắn ra tới 8.000 quả đạn pháo, tốc độ tiêu thụ cao hơn nhiều so với dòng viện trợ nhận được.

Sau nhiều thập kỷ duy trì xu hướng giảm ngân sách đầu tư cho quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng để tập trung cho phát triển kinh tế, năng lực sản xuất vũ khí của các nước châu Âu rơi vào tình trạng báo động khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

Theo giới chuyên gia, trong 3 thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh, các nước châu Âu đã bị thiếu động lực trong việc phát triển năng lực quốc phòng khi đã phó mặc và phụ thuộc vào trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Mỹ trong NATO.

Tình trạng này của các nước châu Âu lại trái ngược ở Nga, đối thủ chính trị lớn nhất của phương Tây, khi Moscow đang chứng tỏ khả năng bổ sung nguồn lực quân sự vượt trội trong cuộc chiến với Ukraine. Cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hồi đầu tháng 12/2023 cũng thừa nhận, dù sở hữu sức mạnh tập thể vượt trội Nga về kinh tế và công nghiệp, nhưng NATO vẫn đi sau Nga trong cuộc đua sản xuất quốc phòng.

Thực tế này càng lộ rõ hơn khi mức độ khốc liệt của cuộc chiến tại Ukraine ngày càng gia tăng khi nước này đẩy mạnh cuộc phản công Nga. Sự phụ thuộc của Ukraine trong việc trang bị vũ khí từ bên ngoài khi đối đầu với Nga trong bối cảnh các đồng minh châu Âu cũng đang gặp khó khăn đã khiến Ukraine thất thế trong cuộc đua “đốt vũ khí” trên chiến trường hiện nay.

Đức Anh