Miền Bắc còn bao nhiêu đợt không khí lạnh tháng 4 và 5?

Miền Bắc còn bao nhiêu đợt không khí lạnh tháng 4 và 5?

Tháng 4 và 5 vẫn còn các đợt không khí lạnh yếu

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 4, nền nhiệt trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1 – 2 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Không khí lạnh hoạt động với cường độ yếu và lệch về phía đông trong tháng 4. Với đặc điểm và cường độ như vậy, khả năng không khí lạnh vẫn sẽ gây mưa và giảm nhiệt ở khu vực phía Bắc.

Các đợt không khí lạnh của tháng 4 và tháng 5 thường là những đợt không khí lạnh yếu.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, về mặt khí hậu, thông thường tháng 4 và thậm chí là tháng 5 vẫn còn đợt không khí lạnh, tuy nhiên các đợt không khí lạnh của tháng 4 và tháng 5 thường là những đợt không khí lạnh yếu.

“Chúng tôi nhận định vẫn còn những đợt không khí lạnh yếu trong thời kì tháng 4 và sang tháng 5, những đợt không khí lạnh chủ yếu tác động ngắn ngày và ảnh hưởng đến nền nhiệt ít. Tuy nhiên không khí lạnh trong mùa chuyển tiếp này gây ra thời tiết đặc biệt nguy hiểm như dông tố, lốc, mưa đá vào thời kì tháng 3 vừa rồi”, ông Vũ Tuấn Anh nói.

ENSO đang ở giai đoạn El Nino cuối và chuyển sang trung tính với xác suất khoảng từ 80-85% từ tháng 4 đến tháng 6, sau đó từ tháng 7 đến tháng 9 chuyển sang trạng thái Lanina. Tuy nhiên El Nino quy mô lớn ảnh hưởng rất rộng, khả năng ảnh hưởng sẽ có thể muộn từ 2-3 tháng. Như vậy từ tháng 4 đến tháng 6 sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm. Khả năng gây ra nắng nóng kỷ lục như chúng ta đã thấy trong năm 2023 là ít có khả năng đạt lịch sử, số ngày nắng nóng sẽ nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Thông thường, theo quy luật nắng nóng cao điểm nhất ở Bắc Bộ khoảng tháng 5-6, thậm chí kéo dài sang cả tháng 7; đối với các tỉnh Trung Bộ xuất hiện có thể sớm vào tháng 4, nắng nóng gay gắt tập trung nhiều vào cuối tháng 5,6,7 và có thể sang đến tháng 8 ở các tỉnh Trung Bộ; đối với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 3 và kéo dài đến hết tháng 5 và sang đầu tháng 6. Nắng nóng trên khu vực có thể xảy ra gay gắt hơn và tổng lượng mưa trên khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn thiếu hụt, hạn hán tập trung nhiều trên các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước và khu vực Tây Nguyên

Theo thống kê từ các mô hình dự báo, từ đầu tháng 4 đến giờ, chỉ có một gió mùa Đông Bắc rất yếu xảy ra ngày 7-9/4 làm giảm nhiệt song đây chưa được coi là không khí lạnh. Với diễn tiến từ nay đến cuối tháng, có thể tháng 4 sẽ không có đợt không khí lạnh nào tràn xuống nước ta mà chỉ là các đợt gió mùa Đông Bắc khiến mưa dông, nhiệt giảm nhẹ.

Nếu với diễn biến này thì không khí lạnh năm nay có lẽ kết thúc sớm nhất trong nhiều năm trở lại đây dù cho rét đậm kết thúc muộn. Thêm một bất thường nữa của mùa Đông Xuân 2023/2024, khi số đợt không khí lạnh ghi nhận tràn xuống Việt Nan thấp nhất trong nhiều năm qua với chỉ 16 đợt tính từ tháng 10 đến giờ, nhưng số ngày rét đậm diện rộng nhiều nhất 10 năm qua (29 ngày). Theo các mô hình thì khoảng ngày 22-23/4 có khối không khí lạnh yếu nén rãnh áp thấp tràn xuống miền Bắc gây mưa dông giảm nhiệt.

Tháng 5 sẽ nắng nóng đặc biệt gay gắt

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai đưa ra nhận định tháng 5 được dự báo sẽ nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Theo các mô hình dự báo đến thời điểm này, nhiệt độ trung bình trong tháng 5 có thể cao hơn từ 1,5 đến 2,5 độ C so với trung bình cùng thời kỳ của giai đoạn 1984-2009 ở hầu khắp các vùng cả nước. Trong đó cá biệt có khu vực Tây Bắc nền nhiệt trung bình có thể cao hơn 3 độ C so với trung bình cùng thời kỳ.

Chuyên gia lưu ý đây là dự báo về nhiệt độ trung bình tháng chứ không phải nhiệt độ cực đại. Nhiệt độ trung bình tháng = trung bình cộng nhiệt độ tất cả các ngày trong tháng. Với các mô hình dự báo hiện tại thì tình trạng nắng nóng đặc biệt gay gắt sẽ diễn ra ở hầu hết các khu vực trong tháng 5.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino (pha nóng) vẫn duy trì từ nay đến khoảng tháng 6/2024 nhưng cường độ suy yếu dần. Sau đó, El Nino có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính ENSO với xác suất 75-80%. Do ảnh hưởng của El Nino, từ tháng 5/2024, mức độ nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng gia tăng. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.

Dự báo, tháng 5/2024, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn so với TBNN khoảng 1-2 độ C; đặc biệt tại khu vực Trung Bộ cao hơn 1,5-2 độ C, Tây Bắc của Bắc Bộ có nơi cao hơn tới 3 độ C.

Tình trạng khô hạn ở Trung Bộ có khả năng xuất hiện và kéo dài trong thời kỳ từ tháng 5-7/2024. Mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm. Trong khi đó, nắng nóng và tình trạng khô hạn tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5/2024.

Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Thời kỳ từ tháng 6/2024, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm khiến mưa xuất hiện nhiều hơn.

Mùa lũ năm 2024 trên các sông suối khu vực Bắc Bộ ít có khả năng đến sớm. Từ tháng 5-7/2024, trên các sông Bắc Bộ xuất hiện các đợt lũ, mực nước đỉnh lũ trên các sông chính ở khu vực Bắc Bộ ở mức báo động 1, các sông suối nhỏ ở mức báo động 1 đến báo động 2.

Từ tháng 5-7/2024, dòng chảy trên các sông và các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Cụ thể: Dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm, riêng hồ Hòa Bình trong tháng 5/2024 có khả năng lớn hơn trung bình nhiều năm do có sự cấp nước bổ sung từ các hồ chứa thượng nguồn; dòng chảy đến hồ Thác Bà (sông Chảy) và đến hồ Tuyên Quang (sông Gâm) có khả năng ở mức thiếu hụt từ 20-30% so với trung bình nhiều năm.

Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tháng 5/2024, mực nước trên các sông ở đây biến đổi chậm. Từ tháng 5-7/2024, tình trạng khô hạn và thiếu nước diễn ra tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, từ Phú Yên đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi.

Tại Nam Bộ, trong tháng 5/2024, mực nước trên sông Đồng Nai tại Tà Lài biến đổi chậm; tổng lượng dòng chảy sông Cửu Long từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15-20% so với trung bình nhiều năm.

Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần, riêng sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé vẫn duy trì ở mức cao, các đợt xâm nhập mặn tăng cao tập trung vào nửa cuối tháng 4 đến tháng 5/2024 (từ 22-28/4, từ 7-11/5).

Tô Hội