‘Mở lối’ xây dựng nền công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, hiện đại

‘Mở lối’ xây dựng nền công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, hiện đại

Phóng viên (PV): Dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến như thế nào về sự cần thiết phải ban hành luật, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết: Trong các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đặc biệt, ngày 8-11, các ý kiến thảo luận tại 19 tổ ở Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đều đánh giá hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng.

Theo các đại biểu, ban hành Luật CNQP, AN và ĐVCN là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển CNQP, AN và ĐVCN; nâng cao tính pháp lý, quy định về CNQP, AN và ĐVCN; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP, 20 năm thực hiện Pháp lệnh ĐVCN. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự trên thế giới gần đây, nhất là nhìn từ cuộc xung đột Nga và Ukraine càng đòi hỏi xây dựng CNQP, AN tự lực, tự cường nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết.

Chúng ta biết rằng, cuộc xung đột Nga và Ukraine đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu về các mặt hàng quân sự, quốc phòng; nền CNQP và những yếu tố bảo đảm sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) là một trong những lĩnh vực chịu sự cấm vận, bao vây, trừng phạt… Vì vậy rất cần xây dựng nền CNQP, AN tự lực, tự cường, chuẩn bị ĐVCN từ thời bình, đáp ứng nhu cầu khi có tình huống xảy ra, tránh phụ thuộc vào các nguồn viện trợ nước ngoài. Đặc biệt, với chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không” của nước ta thì việc xây dựng nền CNQP, công nghiệp an ninh (CNAN) tự chủ càng hết sức quan trọng và cấp thiết.

Việc xây dựng luật còn tạo hành lang pháp lý để xây dựng tiềm lực CNQP, AN và ĐVCN theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; qua đó chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và ngăn ngừa chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết mục đích xây dựng Luật CNQP, AN và ĐVCN?

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết: Mục đích xây dựng luật là tạo hành lang pháp lý cho phát triển CNQP, AN và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ ĐVCN. Cụ thể: Hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển CNQP, AN và ĐVCN trước mắt và lâu dài, bao gồm cả bảo đảm cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng CNQP, AN tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại. Đó là nguồn lực đầu tư cho CNQP, AN và ĐVCN; nghiên cứu phát triển VKTBKT, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển CNQP, AN; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN và ĐVCN.

Công nhân Nhà máy Z129 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) vận hành dây chuyền sản xuất hiện đại. Ảnh: MẠNH HẢI

Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CNQP, CNAN và ĐVCN trong bảo đảm VKTBKT, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho LLVT; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở CNQP, cơ sở CNAN phù hợp đặc thù CNQP, CNAN, ĐVCN và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Mặt khác, huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài LLVT có tiềm lực về tài chính, khoa học-công nghệ tham gia đầu tư phát triển CNQP, AN và thực hiện nhiệm vụ ĐVCN, tham gia sản xuất, sửa chữa VKTBKT, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, xây dựng luật còn góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

PV: Việc bảo đảm tính thống nhất, tương thích giữa Luật CNQP, AN và ĐVCN với các văn bản quy phạm pháp luật khác được tiến hành ra sao?

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết: Quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, với tổng cộng khoảng 150 văn bản pháp luật có liên quan. Thời gian tới, khi hoàn thiện dự án luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát những dự luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để xác định những nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất phương án xử lý, bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Quốc hội tham quan Nhà máy Z115 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), tháng 10-2023. Ảnh: SƠN BÌNH

Cùng với đó, quá trình xây dựng luật, các bộ, ngành và cơ quan chức năng của Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo chỉnh lý về kỹ thuật lập pháp để giải quyết vấn đề cơ chế, chính sách đặc thù cho CNQP, AN và ĐVCN trong dự thảo luật, không để mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của pháp luật có liên quan.

PV: Vấn đề “xã hội hóa” trong phát triển CNQP, AN được dự thảo luật quy định thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết: Trong lĩnh vực CNQP, AN, vấn đề “xã hội hóa” được hiểu là huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở các lĩnh vực tham gia hoạt động CNQP, AN.

Đây là một trong những chính sách trọng tâm của dự thảo luật và được cụ thể hóa thông qua các quy định về nguyên tắc huy động tối đa nguồn lực của công nghiệp quốc gia phục vụ CNQP, AN; quy định những lĩnh vực huy động sự tham gia của công nghiệp dân sinh, tiêu chí và điều kiện đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động CNQP, AN; các chính sách khuyến khích, ưu đãi khi công nghiệp dân sinh tham gia phát triển CNQP, AN, đặc biệt là trong hoạt động khoa học – công nghệ; quy định các hình thức hợp tác giữa cơ sở CNQP nòng cốt và các cơ sở công nghiệp dân sinh, trong đó khuyến khích hình thức liên doanh, liên kết.

Trong dự thảo luật đã quy định một cách toàn diện từ nội dung đến hình thức huy động các cơ sở công nghiệp dân sinh tham gia phát triển CNQP, AN.

PV: Còn vấn đề ĐVCN, đề nghị đồng chí cho biết cụ thể?

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết: ĐVCN được hiểu là huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực của doanh nghiệp ngoài LLVT thuộc mọi thành phần kinh tế để sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng VKTBKT, sản xuất vật tư kỹ thuật cho Quân đội. Dự thảo luật đã dành một chương để quy định về chuẩn bị và thực hành ĐVCN, trong đó xác định ĐVCN phải được xây dựng, chuẩn bị từ thời bình và thực hành khi có lệnh động viên. Nhiệm vụ ĐVCN chỉ gắn với tình huống quốc phòng.

Điểm mới của ĐVCN trong dự thảo luật tập trung 4 vấn đề: (1) Mở rộng phạm vi đối tượng ĐVCN bảo đảm huy động được tối đa nguồn lực đất nước cho quốc phòng. (2) Hoàn thiện phương thức thực hiện ĐVCN theo hướng bổ sung hình thức đặt hàng, đấu thầu. (3) Phân định rõ trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong thực hiện nhiệm vụ ĐVCN. (4) Quy định các cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp tham gia ĐVCN phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ về việc làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi phục vụ phát triển CNQP của nước ta?

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết: Có thể nói, ngành CNQP Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, chúng ta đã làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi trong sản xuất vũ khí bộ binh, bảo đảm đầy đủ vũ khí để trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân. Tuy nhiên, đối với vũ khí, trang bị chiến lược thì CNQP nước ta hiện nay mới ở bước đầu, dần tiến tới làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và thực lực đội ngũ cán bộ khoa học hiện nay, các doanh nghiệp CNQP đang dần làm chủ công nghệ sản xuất, phát minh các sản phẩm tiên tiến, hiện đại, có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Với những cơ chế, chính sách đầu tư các dự án trọng điểm, thu hút nhân tài, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư cho CNQP, CNAN đã quy định trong dự thảo luật, mong rằng khi luật có hiệu lực thi hành sẽ thu hút được các nguồn lực, đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước để tham gia nghiên cứu, đầu tư cơ sở nghiên cứu, sản xuất hiện đại hướng tới làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi của các loại vũ khí, trang bị chiến lược hiện đại, bắt kịp trình độ khoa học-công nghệ vũ khí của các nước phát triển trên thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

SƠN BÌNH (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.