MRC: Tăng cường hợp tác Mekong trước thách thức kép

MRC: Tăng cường hợp tác Mekong trước thách thức kép

Chợ nổi trên sông Mekong. (Nguồn: Getty Images)

Từ ngày 2-5/4 tại thủ đô Vientiane, Lào sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao (HNCC) Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) lần thứ tư.

Diễn ra bốn năm một lần, Hội nghị MRC có sự tham dự của người đứng đầu chính phủ bốn nước thành viên (gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam) và các nhà lãnh đạo chính trị hai đối tác đối thoại (Trung Quốc và Myanmar), cùng đại diện 12 đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong lưu vực sông Mekong, để đánh giá về sự hợp tác liên quan, cũng như đưa ra các định hướng chiến lược.

Cải tổ thực chất hơn nữa

Vào tháng 9/1957, Ủy ban Điều phối nghiên cứu hạ lưu vực sông Mekong được thành lập. Sau đó, được đổi tên thành Ủy hội sông Mekong quốc tế (Mekong River Committee – MRC) vào ngày 5/4/1995.

Trong 65 năm qua, MRC đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển ở các nước thành viên, tăng cường hợp tác giữa các thành viên, với hai nước thượng nguồn là Trung Quốc, Myanmar và nhiều đối tác quốc tế khác.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lưu vực sông Mekong hiện phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng do tình hình tăng cường khai thác sử dụng nước và hiện tượng biển đổi khí hậu càng rõ nét trên toàn lưu vực, xu thế gia tăng hợp tác và phát triển của khu vực, các siêu cường liên tục tăng cường ảnh hưởng tại khu vực địa chính trị quan trọng này, hợp tác Mekong nói chung và vai trò của MRC đứng trước nhiều thách thức, cả chủ quan và khách quan nên cần có sự cải tổ thực chất hơn nữa để đóng vai trò to lớn hơn.

Thông tin tới giới truyền thông về HNCC MRC lần thứ tư, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban thư ký MRC đánh giá Hội nghị năm nay hết sức quan trọng đối với các nước thành viên. Đây là dịp để lãnh đạo của bốn quốc gia thành viên tái khẳng định các cam kết thực hiện khung Hiệp định Mekong đã được lãnh đạo MRC ký năm 1995, cũng như vai trò của Ủy hội trong điều phối và thúc đẩy sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ tái khẳng định các cam kết phối hợp trên tinh thần hợp tác, tuân thủ các nguyên tắc, quy tắc, hướng dẫn và chiến lược của Ủy hội Mekong trong quản lý và phát triển dòng sông.

Ngoài ra, cùng với HNCC MRC sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế MRC, thu hút sự tham gia của các chuyên gia khu vực và toàn cầu đến từ nhiều lĩnh vực như nước và các nguồn tài nguyên liên quan, năng lượng, lương thực, giao thông, cùng khai thác và bảo tồn các dòng sông chảy qua nhiều nước, quản lý lưu vực sông, quản trị và phát triển để trình bày và thảo luận về những thông tin mới nhất, những giải pháp sáng tạo nhất liên quan sông Mekong và các lưu vực sông khác.

HNCC MRC được tổ chức từ năm 2010, qua ba hội nghị ở Hủa Hỉn, Thái Lan (2010), TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam (2014) và Siem Reap, Campuchia (2018), các thành viên của Ủy hội đã tái khẳng định cam kết chính trị cao nhất đối với hợp tác tại MRC; đánh giá nỗ lực trong quản lý, sử dụng và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong; định hướng hoạt động ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo.

HNCC MRC lần thứ tư do Lào làm chủ nhà có chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”.

Hội nghị năm nay đề ra năm mục tiêu: một là, tiếp tục khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất của bốn quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và chức năng của MRC.

Hai là, tiếp tục khẳng định các mục đích và các nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực.

Ba là, ghi nhận các thành tựu đạt được từ các HNCC trước đây, như thông qua Chiến lược phát triển lưu vực giai đoạn 2021-2030; hoàn thiện và triển khai bước đầu các chiến lược ngành về thủy điện bền vững; tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng; chủ động xác định các giải pháp đầu tư trong khu vực và ứng phó thích ứng với các thách thức của lưu vực; cải thiện việc thực hiện các thủ tục của Ủy hội để giải quyết các tác động xuyên biên giới…

Bốn là, ghi nhận các thách thức và cơ hội liên quan đến nguồn nước, bao gồm các vấn đề phát triển bền vững và quản lý môi trường lưu vực sông Mekong.

Năm là, xác định các định hướng phát triển và quản lý lưu vực và thống nhất các thỏa thuận/kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong giai đoạn 2021-2030.

Lưu vực sông Mekong. (Nguồn: MRC)

Vượt qua thách thức kép

Sông Mekong dài 4.763 km, so với các lưu vực sông trên thế giới, Mekong đứng thứ tám về tổng lượng dòng chảy, thứ 12 về chiều dài và thứ 21 về diện tích lưu vực. Sông được chia làm hai phần. Thượng lưu vực gồm phần nằm trên đất Trung Quốc và Myanmar có diện tích 189.000 km2 (chiếm 24% tổng diện tích lưu vực) và phần hạ lưu vực thuộc bốn nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam có diện tích là 606.000 km2 (chiếm 76% diện tích lưu vực).

Đề cập những thách thức hiện nay mà Mekong đang phải đối mặt và phương thức mà MRC triển khai để dòng sông được sử dụng một cách hiệu quả và bền vững, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun cho biết, sông Mekong đang phải đối mặt với thách thức kép về cả phát triển và biến đổi khí hậu, trong đó sự phát triển mang lại cả lợi ích lẫn tác động tiêu cực.

Do đó, MRC đang tập trung vào hai bước chính, bước đầu tiên là đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin về các dự án, công trình và các hoạt động hiện có, để đảm bảo rằng chúng được vận hành và quản lý theo cách chặt chẽ và nhịp nhàng hợp hơn.

Bước thứ hai, trong trung và dài hạn, các quốc gia cần cùng nhau tham gia vào việc “lập kế hoạch khu vực chủ động”, có nghĩa là gợi ý những cách tốt hơn để cùng nhau phát triển, quản lý dòng sông một cách hiệu quả hơn. Việc này liên quan đến rất nhiều mảng, trong đó có việc làm thế nào để phù sa chảy từ đầu nguồn đến cuối nguồn…

Chính vì vậy, MRC đang tìm cách để quản lý trầm tích từ thượng nguồn đến hạ lưu, nhân tố rất quan trọng đối với khu vực đồng bằng; quản lý tốt hơn các tài nguyên môi trường như vùng ngập lũ, đất ngập nước, lưu vực sông để chúng duy trì các chức năng của hệ sinh thái, đồng thời mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho các dự án chung.

Giám đốc điều hành Ban thư ký MRC kỳ vọng với hai biện pháp chính trên, MRC hy vọng trong 5-10 năm nữa, sông Mekong sẽ chuyển sang trạng thái tích cực hơn.

Ủy hội sông Mekong là tổ chức liên chính phủ, gồm thành viên là các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ủy hội được thành lập theo Hiệp định Mekong năm 1995 nhằm quản lý nguồn nước chung và các tài nguyên liên quan của sông Mekong.

Chủ động, tích cực và có hiệu quả

Việt Nam ngay từ đầu đã cam kết mạnh mẽ về chính trị và tham gia một cách chủ động, tích cực và có hiệu quả tại MRC.

Việt Nam tích cực cùng các nước thành viên khác thương lượng và xây dựng các văn kiện quan trọng của MRC, đặc biệt là Hiệp định Mekong năm 1995, Bộ Quy chế sử dụng nước; đóng góp vào quá trình cải tổ MRC và Ban thư ký MRC theo hướng tăng hiệu quả, gọn nhẹ hơn.

Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và triển khai các chiến lược, dự án, nghiên cứu quan trọng của MRC như Chiến lược Phát triển lưu vực các giai đoạn, Chiến lược quản lý và giảm nhẹ lũ, Chiến lược thủy sản, Chiến lược thủy điện, Chiến lược nông nghiệp và tưới, Chiến lược giao thông thủy, Dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mekong”, nghiên cứu của MRC có tên là “Nghiên cứu chung về phát triển và quản lý bền vững lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các tác động của thủy điện dòng chính”…

Một dấu ấn đẹp của Việt Nam trong MRC là tổ chức thành công HNCC MRC lần thứ hai (TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/2014), góp phần định hướng các hoạt động hợp tác của MRC.

Với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của lưu vực sông Mekong”, HNCC MRC lần thứ hai nhất trí thông qua Tuyên bố chung TP. Hồ Chí Minh, tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, cam kết thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995 và các quy định, thủ tục của MRC; xác định các lĩnh vực ưu tiên và định hướng cho hoạt động của MRC trong giai đoạn tiếp theo.

Tại Hội nghị lần này, Việt Nam thể hiện cam kết ở cấp cao trong thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Hiệp định Mekong trước những thách thức mới; chủ động đề xuất các sáng kiến mới; tích cực tham gia vào tất cả các hoạt động của MRC, đặc biệt vào các hành động chung trong lưu vực để ứng phó với các tác động biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác giữa MRC với các nước đối tác đối thoại và các đối tác phát triển, cũng như tham gia thúc đẩy các hoạt động hợp tác liên lưu vực sông, trong đó có lưu vực sông Hằng, sông Danube, sông Nile, sông Amazon và sông Mississippi.

Việt Nam tích cực tham gia xây dựng và triển khai các chương trình, dự án hợp tác chính của MRC, bao gồm: Chương trình môi trường; Chương trình thủy sản; Chương trình quản lý lũ và hạn; Chương trình biến đổi khí hậu; Chương trình nông nghiệp và tưới; Chương trình giao thông thủy; Chương trình phát triển thủy điện bền vững; Dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mekong; Các hoạt động thu thập và chia sẻ thông tin, số liệu; Chương trình tăng cường năng lực.

Minh Anh