Mỹ thận trọng mở cửa đối với lao động nước ngoài

Mỹ thận trọng mở cửa đối với lao động nước ngoài

Người di cư trong hành trình tới Mỹ tại Tapachula, bang Chiapas, Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài phân tích đăng trên tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 16/5, nước Mỹ vẫn còn chia rẽ về nhập cư, trong khi các quốc gia khác hạ thấp rào cản về vấn đề này nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động. Dòng người di cư đổ tới nhiều nước cao mức kỷ lục và một số quốc gia thiếu lực lượng lao động đã mở cửa biên giới rộng hơn để đón nhận nguồn nhân lực này, giúp giảm sức ép lạm phát.

*Xu thế tiếp nhận lao động nước ngoài

Chính phủ tìm cách thu hút công dân nước ngoài để bổ sung cho nguồn lao động trình độ cao và lao động chân tay. Đó là trường hợp của Đức, Nhật Bản cho tới những nước từng áp dụng hạn chế nhập cư trong thời gian dài. Nhưng Mỹ vẫn là ngoại lệ. Có hàng trăm nghìn lao động nhập cư đổ vào Mỹ thông qua các kênh cửa sau, nhưng Mỹ vẫn không cởi mở chào đón dòng người này. Theo giới quan chức và chuyên gia kinh tế, chính sự ngập ngừng đó gây ra tổn thất kinh tế, nhất là khan hiếm lao động thường trực, lạm phát tiền lương, nhân công.

Tỷ lệ thất nghiệp trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với 38 quốc gia thành viên hiện ở mức thấp kỷ lục 4,8%. Những nước này công bố một danh sách dài chờ tuyển dụng nhân công vào các vị trí như lái xe tải, bê vác hành lý, thợ khai mỏ. Giới chuyên gia nhận định ngoài yếu tố thiếu hụt nhân công do đại dịch COVID-19, nhu cầu đối với lao động nhập cư tăng vọt còn đến từ xu thế suy giảm, già hóa dân số, giảm tỷ lệ sinh nở. “Lực lượng lao động tại các nước giàu có hơn đang giảm”, Michael A. Clemens, Giáo sư kinh tế tại Đại học George Mason, bình luận.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, dân số trong độ tuổi lao động ở châu Âu và Bắc Mỹ được dự báo giảm từ mức 730 triệu người xuống còn 680 triệu người trong hai thập kỷ tới. Một số quốc gia như Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) có nguy cơ giảm 50% lực lượng lao động trong vài thập kỷ tới. Cũng theo tính toán này, dân số trong độ tuổi lao động ở khu vực Sahara phía Nam châu Phi sẽ tăng lên mức 700 triệu người vào năm 2050. Còn tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, lực lượng lao động tăng thêm khoảng 40 triệu người đến giữa thế kỷ này.

Với những nước giàu, rất khó để cưỡng lại thặng dư lao động ở nước ngoài. Trên thực tế, mất cân bằng lao động toàn cầu đã đẩy nhân công nước ngoài vào vòng tay của nhiều quốc gia cần đến nguồn lực này. Theo phân tích của tờ Wall Street Journal, trong năm 2022, mức chênh lệch giữa số người đổ đến các nước giàu so với số rời đi lên đến 5 triệu người, tăng 80% so với mức trước đại dịch. Khảo sát được thực hiện tại 10 nước nhận lao động di cư nhiều nhất, trong đó có Mỹ, Đức, Anh, Canada, Australia và Tây Ban Nha. Các chuyên gia về di cư nhìn nhận đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Riêng người di cư Ukraine đã chiếm khoảng 2 triệu người. Ngay cả khi trừ đi nguồn này, số người di cư ròng năm 2022 vẫn cao hơn nhiều so với năm 2019.

Đức đang sửa lại luật về nhập cư, nhằm thu hút nhiều hơn lao động có trình độ đại học trở lên và lao động chân tay thông qua hệ thống mới dựa trên điểm số. Điểm cộng sẽ được ưu tiên theo các tiêu chí như độ tuổi, tuổi càng trẻ điểm càng cao. Tương tự như vậy là tiêu chí về trình độ giáo dục đào tạo, kinh nghiệm làm việc và mức độ sử dụng thành thạo tiếng Đức. Theo Herbert Brücker, trưởng bộ phận di cư tại Viện Nghiên cứu Lao động Đức (IER), trong vài thập kỷ tới Đức cần bổ sung khoảng 500.000 lao động nhập cư/năm, khi kỷ nguyên vàng về sinh nở tại Đức chấm dứt.

Canada trong năm 2022 cũng công bố kế hoạch thu hút thêm 1,5 triệu lao động nhập cư vào năm 2025. Chính quyền bang Tây Australia (Western Australia) mới đây cũng cử phái đoàn tới Anh và Ireland, nhằm tuyền dụng hàng nghìn lao động, trong đó có cảnh sát, thợ cơ khí, thợ đường ống.

Hàn Quốc lên kế hoạch thu hút 110.000 lao động phổ thông người nước ngoài trong năm nay, làm việc trong một số ngành như nông trại, sản xuất chế tạo, tăng 60% so với mức hạn ngạch năm ngoái. Nhật Bản, nước đang mở ra những con đường mới về visa cho lao động nước ngoài trình độ cao, trong tháng Tư vừa qua cũng công bố ý định tạo điều kiện thuận lợi hơn với lao động phổ thông di cư, làm việc trong các nhà máy, nông trại, thông qua việc nới rộng thời hạn định cư tại Nhật Bản, thậm chí cho phép họ mang theo gia đình. Hai nước Đông Á này trong một thời gian dài từng rất nghi ngại lao động nhập cư.

Tây Ban Nha năm 2022 cũng sửa lại luật, cho phép tiếp nhận lao động chân tay đến từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn lao động do già hóa dân số. Bộ trưởng An sinh xã hội và Nhập cư Tây Ban Nha José Luis Escrivá Belmonte ước tính nước này sẽ cần tới 300.000 lao động nước ngoài mỗi năm để duy trì phát triển kinh tế và hỗ trợ hệ thống lương hưu quốc gia. Tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha hiện ở mức 13%, ngang bằng hoặc cao hơn mức trung bình 15 năm qua. Ông Escrivá cho biết số người không có việc làm chủ yếu rơi vào nhóm đối tượng trên 50 tuổi và không phù hợp cho những công việc cần tuyển dụng nhân công như nông nghiệp, xây dựng hay sản xuất phim.

*Nước Mỹ với câu chuyện lao động nhập cư

Mỹ chưa có bất kỳ thay đổi, cải cách quan trọng nào về nhập cư trong 33 năm qua. Nỗ lực thực chất nhất mà Quốc hội Mỹ từng khởi xướng về nhập cư cũng đã cách đây 20 năm. Nhiều vấn đề còn gây tranh luận tại Washington, khiến cơ hội về một cuộc cải tổ chính sách là gần như không có.

Bất chấp những chính sách hạn chế nhập cư, người di cư tìm kiếm việc làm ở Mỹ lại nhanh chóng tìm được việc làm, với mức chi trả cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Theo giới chức Cơ quan kiểm soát Biên phòng Mỹ, có hàng chục nghìn người vượt biên giới từ Mexico vào Mỹ bất hợp pháp và bị bắt giữ trong 10 ngày qua. Cũng có khoảng 20.000 người di cư bị phát hiện bằng các hình thức theo dõi, nhưng không bị bắt giữ.

Tại Mỹ, hạn chế về visa H-1B (cơ chế visa cho phép công ty, doanh nghiệp Mỹ bảo lãnh cho lao động nước ngoài trình độ cao làm việc tại Mỹ) gần như không có thay đổi kể từ năm 1990. Theo Giovanni Peri, Chủ tịch Khoa kinh tế tại Đại học California, các đời chính quyền Mỹ trong 15 năm qua mạnh tay ngăn chặn vượt biên xuyên biên giới vào Mỹ bất hợp pháp, nhưng không tạo ra cách thức mới về nhập cư hợp pháp. Chính điều này đặt ra nhu cầu thảo luận cấp thiết về sửa đổi chính sách nhập cư trong điều kiện nền kinh tế Mỹ khan hiếm lao động.

Lực lượng biên phòng Mỹ đã bắt giữ 2,2 triệu người vượt biên giới Mexico vào Mỹ trong năm tài khóa 2022, một con số kỷ lục. Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận dòng người vượt biên tăng vọt xuất phát từ thực trạng kinh tế Mỹ khan hiếm nhân công. Một số kênh mới về tiếp nhận lao động nước ngoài cũng được mở ra trong thời gian gần đây. Kể từ khi xảy ra xung đột Nga- Ukraine, có khoảng 300.000 người tị nạn Ukraine nhập cảnh vào Mỹ, nhiều trong số này đi theo diện chương trình có tên gọi “Đoàn kết vì Ukraine” mà chính quyền Tổng thống Joe Biden triển khai. Con số này vượt tổng số người tị nạn được phép vào Mỹ thông qua các con đường chính thức của bảy năm trước.

Số liệu do FWD.us – một tổ chức nghiên cứu độc lập thiên về ủng hộ người di cư tại Mỹ, công bố hồi tháng Tư vừa qua cho thấy có khoảng 450.000 lao động di cư tị nạn từ Afghanistan, Ukraine và khu vực Mỹ Latinh được tiếp nhận vào Mỹ hợp pháp trong năm 2021 và 2022. Số này đang làm việc dưới các điều kiện bảo đảm tạm thời của chính phủ, trong các ngành thiếu hụt lao động. Họ chiếm khoảng 25% tổng nhu cầu tuyển dụng nhân công mới trong năm nay ở ngành xây dựng, phục vụ nhà hàng, sản xuất chế tạo.

Thiếu hụt lao động là tác nhân đẩy lạm phát tăng cao ở nhiều nước, khi nhà tuyển dụng tranh giành nhân công, tăng lương để thu hút và giữ chân người lao động. “Tôi nghĩ rằng tăng lao động nhập cư sẽ giúp giảm lạm phát”, Spencer Cox, Thống đốc bang Utah và là người thuộc đảng Cộng hòa, nhìn nhận. Utah là bang có tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,4%, một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,4% trên cả nước Mỹ.

Ông Cox cùng với đồng cấp bang Indiana Eric Holcomb, muốn tập hợp thêm các thống đốc bang khác để cùng đưa ra đề xuất tới Quốc hội, theo hướng trao quyền cho chính quyền bang trong vấn đề nhập cư hợp pháp. Để có được ủng hộ lưỡng đảng đối về tăng số lượng lao động nước ngoài hợp pháp, Thống đốc Cox cho rằng Chính phủ cần cho thấy khả năng kiểm soát tốt hơn trên tuyến biên giới Mỹ-Mexico./.

Hoài Thanh (P/v TTXVN tại New York)