Ngạt mũi thường xuyên cảnh giác với vẹo vách ngăn mũi

Ngạt mũi thường xuyên cảnh giác với vẹo vách ngăn mũi

Vẹo vách ngăn mũi do đâu?

Vách ngăn là một bộ phận nằm trong hốc mũi, chia hốc mũi làm hai hố, đi chính giữa từ lỗ mũi trước ra lỗ mũi sau. Vách ngăn được cấu tạo gồm nhiều sụn, xương và bao bọc bên ngoài bởi niêm mạc.

Vẹo vách ngăn mũi là một bệnh rất thường gặp, đặc biệt thường thấy ở người có sống mũi cao và tỷ lệ ở nam nhiều hơn nữ.

Về nguyên nhân gây vẹo vách ngăn mũi được chia làm hai nguyên nhân chính: Nguyên nhân bẩm sinh hay sự rối loạn phát triển và nguyên nhân chấn thương.

Lúc đầu vẹo vách ngăn không có biểu hiện gì rõ ràng. Khi lớn lên, cơ thể phát triển, xương phát triển theo, lúc đó những triệu chứng biểu hiện của vẹo vách ngăn sẽ ngày một rõ hơn.

Ngoài những người mắc bệnh bẩm sinh, cũng có những trường hợp vẹo vách ngăn là do chấn thương ở vùng mũi (do té ngã, va chạm, bị đánh…)

Các kiểu vẹo vách ngăn mũi

– Vẹo vách ngăn mũi hình chữ C: Vách ngăn vẹo sang bên phải hoặc bên trái.

– Vẹo vách ngăn mũi hình chữ S: Vách ngăn vừa vẹo sang bên phải vừa vẹo sang bên trái, ở cả phần cao và thấp.

– Gai vách ngăn mũi: Là dị hình khu trú tại một điểm trên vách ngăn mũi và nhô ra như gai hoa hồng. Gai thường nằm ở phần sụn vách ngăn mũi.

– Mào vách ngăn mũi: Là một bên vách ngăn phì đại nổi đội lên, tạo thành một đường gờ (mào xương). Mào xương này thường ở phần chân vách ngăn, nhiều nhất là phần nối giữa sụn và xương vách ngăn.

– Dày chân vách ngăn mũi: Thường dày ở phần chân vách ngăn.

Ngoài các kiểu vẹo vách ngăn mũi kể trên, còn có kiểu vẹo vách ngăn mũi hỗn hợp, là sự kết hợp giữa các kiểu vẹo vách ngăn mũi như: Vẹo vách ngăn mũi hình chữ C hoặc S kết hợp với gai vách ngăn, dày chân vách ngăn kết hợp với vẹo vách ngăn mũi hình chữ C…

Ngạt mũi là tình trạng mũi bị tắc nghẽn gây khó thở. nếu bị ngạt mũi kéo dài, rất có thể đã mắc bệnh vẹo vách ngăn mũi. Ảnh minh họa.

Các triệu chứng vẹo vách ngăn mũi

– Ngạt mũi thường xuyên

Bị vẹo vách ngăn một bên thường làm cho người bệnh bị ngạt mũi cùng với bên vách ngăn vẹo (vẹo hình chữ C). Tình trạng ngạt mũi này thường xuyên diễn ra, nhưng do người bệnh đã ‘quen’ dần với cảm giác này nên không để ý, nhưng nếu lấy ngón tay bịt một bên mũi, còn lại bên mũi phía vách ngăn vẹo thì mới thấy rõ tình trạng mũi không thông. Nếu bị vẹo vách ngăn cả hai bên (vẹo hình chữ S), sẽ gây ngạt mũi cả hai bên, biểu hiện bệnh cũng không rõ lắm trong giai đoạn mũi bình thường, không bị viêm nhiễm.

– Hay nhức đầu

Triệu chứng thường gặp ở người bị vẹo vách ngăn mũi, khiến bệnh nhân phải đến gặp bác sĩ là tình trạng nhức đầu. Thường nhức một nửa đầu, có thể bên phải hay bên trái, tùy theo bị vẹo bên nào; có thể nhức trong hốc mắt cùng với bên vách ngăn vẹo, có thể nhức cả hai bên và lan ra vùng chẩm phía sau. Triệu chứng nhức đầu này mặc dù không dữ dội, nhưng sẽ thường xuyên đau nhức âm ỉ, dai dẳng, khiến người bệnh khó chịu suốt cả ngày.

Có những trường hợp mũi không bị viêm, nhưng bị nhức đầu nhiều, đi khám thì phát hiện vách ngăn vẹo. Triệu chứng nhức đầu thường gây khó chịu, khó làm việc và làm cho người bệnh dễ cáu gắt.

– Viêm mũi, viêm xoang

Nếu để tình trạng ngạt mũi do vẹo vách ngăn kéo dài, thì sẽ dẫn đến bị viêm mũi, viêm xoang.

Tình trạng ngạt mũi lâu cũng ảnh hưởng lên bệnh lý tim mạch (do đường thở không thông thoáng, lượng ôxy hấp thu không đủ), ảnh hưởng đến trí nhớ, năng suất làm việc.

Ngoài ra, một khi vách ngăn bị vẹo lâu ngày còn có thể tạo ra điểm kích thích trong hốc mũi, làm tăng thêm tình trạng viêm mũi dị ứng và làm nặng thêm bệnh lý hen suyễn đang có sẵn trên người bệnh, ngoài ra còn làm giảm khả năng khứu giác…

Lời khuyên thầy thuốc

Để chẩn đoán chính xác vẹo vách ngăn mũi, ngoài các triệu chứng thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán như: Nội soi mũi xoang; Chụp cắt lớp vi tính hàm mặt (CT Scaner hàm mặt) để xác định tình trạng vẹo vách ngăn mũi, đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.

Để điều trị vẹo vách ngăn mũi, nếu các trường hợp vẹo vách ngăn mũi không ảnh hưởng nhiều, các triệu chứng diễn ra không thường xuyên… thì không nhất thiết phải can thiệp. Nhưng khi các triệu chứng ngạt mũi, đau đầu, đau mũi diễn ra thường xuyên, dai dẳng, điều trị bằng thuốc không thuyên giảm hoặc tình trạng khó chịu tái đi tái lại nhiều lần, bệnh nhân cần được can thiệp bằng các biện pháp ngoại khoa như: Chỉnh hình cuốn mũi; Chỉnh hình vách ngăn…

BS. Nguyễn Hoàng Thái