Ngoại giao đa phương Việt Nam: Nhiệm vụ mới, tư duy mới, thành công mới

Ngoại giao đa phương Việt Nam: Nhiệm vụ mới, tư duy mới, thành công mới

Ngoại giao đa phương phải đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới như phải nhanh chóng chuyển trạng thái, thích ứng từ môi trường rất đặc thù của giai đoạn Covid-19 sang bắt kịp và đón đầu những thay đổi lớn của tình hình thế giới và khu vực; kịp thời, khéo léo xử lý những phức tạp lớn xuất hiện khắp các khu vực, diễn đàn trong hai năm qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28.

Đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định

Trong bối cảnh đó, ngoại giao đa phương tiếp tục vươn mình, có những tư duy, sáng kiến, ý tưởng, cách làm mới, thể hiện rõ hơn là kênh ngoại giao quan trọng, có nhiều đóng góp quan trọng, tích cực vào tăng cường liên kết, đan xen lợi ích, cân bằng cục diện đối ngoại, củng cố và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, nguồn lực bên ngoài để duy trì môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế đất nước, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Một là, ngoại giao đa phương đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và đặc biệt là ở cấp cao. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn đa phương quan trọng ở cấp độ toàn cầu như Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) (9/2023), Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (12/2023), hay ở cấp độ khu vực như các Hội nghị cấp cao ASEAN, APEC (2022-2023), Ủy hội sông Mekong quốc tế (4/2023), Hội nghị thượng đỉnh về Nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương (4/2022), Hội nghị cấp cao Pháp ngữ (11/2022)… Thông qua đó, Việt Nam khẳng định mạnh mẽ quan điểm nhất quán về đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, đoàn kết, hành động vì hòa bình, phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.

Hai là, ngoại giao đa phương tiếp tục góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của đất nước. Tại các diễn đàn đa phương khác nhau, từ LHQ, ASEAN tới Phong trào Không Liên kết, Tổ chức Pháp Ngữ, Hội nghị Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Hội nghị Giải trừ Quân bị, Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)… Việt Nam tiếp tục tích cực đề cao hợp tác và đối thoại nhằm xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là về không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, tôn trong chủ quyền, không can thiệp nội bộ….

Các nước đánh giá cao, cho rằng lập trường của ta nghiêm túc, có trách nhiệm, xây dựng, cân bằng, nhất là trong những vấn đề phức tạp tại các diễn đàn đa phương như các điểm nóng Ukraine, Israel-Palestine, Iran, Myanmar.

Nhìn lại bối cảnh phức tạp, đối đầu giữa các bên liên quan, có thể thấy rõ hơn là không dễ để duy trì và triển khai cách tiếp cận đó, không những giúp thể hiện vai trò, hình ảnh trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương mà còn giúp cân bằng, duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác quan trọng, nổi bật như việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (tháng 9/2023).

Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế Phạm Hải Anh.

Đóng góp thực chất giải quyết các vấn đề lớn

Ba là, đối ngoại đa phương đã tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, đã có những biện pháp mới, hiệu quả trong việc tranh thủ nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm phục vụ phát triển đất nước.

Với sự vận động tích cực của ta, quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cho Việt Nam đã được thiết lập, là cơ sở để huy động 15,5 tỷ USD nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam trong giai đoạn 3-5 năm tới (so với tổng số 6,5 tỉ USD chi cho các bộ, ngành địa phương cho công tác BĐKH trong 5 năm 2016-2020).

Ngoại giao đa phương cũng góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, nhất là nguồn nước sông Mekong và duy trì hợp tác tiểu vùng Mekong với nhiều lợi ích kinh tế quan trọng từ sự hỗ trợ của nhiều đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là CPTPP, EVFTA, RCEP… tiếp tục chứng tỏ là một hướng đi hiệu quả, góp phần đưa nước ta trở thành một trong những nền thương mại có quy mô lớn.

Bốn là, ngoại giao đa phương đã góp phần ngày càng thực chất vào việc giải quyết, xử lý nhiều vấn đề lớn của quốc tế, qua đó thể hiện rõ hơn Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Năng lực và uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định khi đảm nhiệm nhiều vị trí quốc tế quan trọng như Hội đồng Nhân quyền LHQ (2023-2025), Ủy ban Di sản Thế giới (2023-2027), Hội đồng thống đốc IAEA (2021-2023), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2021-2026), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2023 -2027).

Việt Nam cũng tiếp tục mở rộng việc cử lực lượng tham gia Hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ tại các quốc gia châu Phi, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực… Đồng thời, ta cũng đã có những đề xuất mới, cách làm mới, đóng góp mới vào những vấn đề được quốc tế quan tâm chung, như tham gia nhóm nòng cốt xây dựng Nghị quyết đề nghị Tòa án quốc tế cho ý kiến về trách nhiệm của các quốc gia về biến đổi khí hậu, đề xuất và thay mặt nhóm liên khu vực trình bày phát biểu chung về tầm quan trọng của Công ước LHQ về Luật biển 1982 nhân dịp 40 năm thông qua, đề xuất và tham gia các nhóm nòng cốt về các nghị quyết nhằm bảo đảm quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền…

Trong bối cảnh thế giới đang vấp phải những khó khăn chung, việc đạt được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới sẽ có nhiều thách thức. Để có những đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện những nhiệm vụ chung của ngành đối ngoại thời gian tới, ngoại giao đa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc và tích cực triển khai Chỉ thị 25/CT-TW ngày 18/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Nghị quyết số 34-NQ-TW ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại, kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; đề cao chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, vai trò của các thể chế đa phương, toàn cầu và khu vực.

Ngoại giao đa phương Việt Nam sẽ nỗ lực đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược – xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần hơn nữa vào xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Phạm Hải Anh