Người phụ nữ Mỹ cắt bỏ vú và tử cung để ngừa ung thư

Người phụ nữ Mỹ cắt bỏ vú và tử cung để ngừa ung thư

Jenna Wolfe đã quyết định cắt hẳn vú và tử cung để ngừa nguy cơ bị ung thư trong tương lai. Ảnh: Instagram @jennawolfe.

Nhận kết quả xét nghiệm dương tính với đột biến gen BRCA1, loại gene làm người mang tăng nguy cơ mắc ung thư vú và buồng trứng, Jenna Wolfe (49 tuổi, từng là người dẫn chương trình đài NBC, Mỹ), đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ tử cung và cắt bỏ vú để phòng ngừa.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội cá nhân sau ca phẫu thuật, Wolfe chia sẻ cô đã trải qua nhiều cảm xúc lẫn lộn khi đưa ra quyết định này.

“Tôi đã phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng đôi khi phải chấp nhận đau đớn, xấu một chút có thể giúp mình sống lâu hơn”, người phụ nữ chia sẻ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cứ 500 phụ nữ thì có khoảng một người bị đột biến gene BRCA1 hoặc BRCA2.

Dù không gây ung thư cho toàn bộ người mang, những đột biến này đều có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư đáng kể.

Khoảng 50/100 phụ nữ có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 bị ung thư vú khi họ 70 tuổi. Trong khi đó, cùng một độ tuổi, chỉ 7/100 phụ nữ không có gene này phát hiện mình bị ung thư.

Tương tự, 30/100 phụ nữ có một trong 2 đột biến nói trên bị ung thư buồng trứng ở tuổi 70. Tỷ lệ này ở những phụ nữ không có đột biến là 1/100.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, phẫu thuật cắt bỏ vú để phòng ngừa (còn được gọi là phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng) có thể giúp giảm tới 90% nguy cơ phát triển ung thư vú ở phụ nữ. Tuy nhiên, cắt bỏ vú không thể loại bỏ tất cả mô vú, do vậy, vẫn có một số nguy cơ bị ung thư nhất định.

Wolfe không phải là trường hợp nổi tiếng đầu tiên chủ động cắt bỏ vú để bảo vệ sức khỏe tương lai.

Angelina Jolie cũng từng tự nguyện cắt bỏ vú vào năm 2013 sau khi phát hiện ra rằng mình có đột biến gen BRCA1.

Linh Thùy