Nhiều đại biểu đề xuất cải cách tiền lương cho giáo viên

Nhiều đại biểu đề xuất cải cách tiền lương cho giáo viên

Ngày 7-11, tại phiên chất vấn về lĩnh vực nội chính, tư pháp, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về vấn đề cải cách tiền lương, nhất là lương cho giáo viên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại phiên chất vấn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Giải pháp nào tăng lương cho người lao động?

Tại phiên chất vấn, ĐB Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) cho hay vấn đề tiền lương đang được người lao động đặc biệt quan tâm. “Xin bộ trưởng cho biết những giải pháp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện theo Nghị quyết 27?” – ĐB chất vấn.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay Nghị quyết 27 nêu một số giải pháp về cải cách tiền lương. Thứ nhất, xây dựng một hệ thống bảng lương theo vị trí việc làm, theo chức danh, chức vụ lãnh đạo. Thứ hai, quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp. Thứ ba, mở rộng quan hệ tiền lương. Thứ tư, cơ cấu lại giữa lương cơ bản 70%, phụ cấp 30% và thêm 10% nữa để cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thưởng…

Chế độ lương đối với viên chức, nhân viên trường học hiện nay rất thấp, chưa đảm bảo mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

Còn ĐB Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) thì quan tâm cụ thể về việc xây dựng vị trí việc làm, một trong những giải pháp quan trọng để cải cách tiền lương. “Đến nay, việc xây dựng vị trí việc làm vẫn chưa hoàn thiện” – bà Kiều nói và đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Đáp lại, Bộ trưởng Trà cho hay đến nay đã hoàn thành xong danh mục vị trí việc làm. Đối với cơ quan, tổ chức hành chính có 866 vị trí, đơn vị sự nghiệp là 615 vị trí và cán bộ, công chức cấp xã là 17 vị trí. “Đặc biệt, đến nay đã xây dựng được tổng số lượng chức danh, chức vụ lãnh đạo là 232 vị trí từ Trung ương đến cấp xã” – bà Trà thông tin.

Cũng theo bộ trưởng Bộ Nội vụ, đến nay cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm trong bộ máy hành chính nhà nước. Riêng với các cơ quan thuộc khối Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị, Bộ Nội vụ đang đề nghị đẩy nhanh tiến độ. Với khối cơ quan QH, hiện Ban Công tác ĐB đang triển khai xây dựng vị trí việc làm thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm để đáp ứng tiến độ cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024.

“Chúng tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện” – bà Trà nhấn mạnh và cho biết Bộ Nội vụ sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền để có chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ, kịp thời cải cách tiền lương theo lộ trình đặt ra.

Lương giáo viên sẽ ở mức cao nhất

Tại phiên chất vấn, nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm đến vấn đề cải cách tiền lương cho giáo viên và nhân viên ngành giáo dục. Theo ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình), đây là vấn đề đã được đề cập nhiều trong các phiên chất vấn của QH từ khóa XIV, XV cho đến nay. Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho thấy mức lương giáo viên rất thấp, đặc biệt là giáo viên mầm non trong khi áp lực công việc rất lớn.

Cũng theo bà Nga, tại buổi đối thoại của bộ trưởng Bộ GD&ĐT với 1 triệu nhà giáo, có 6.000 câu hỏi gửi tới bộ trưởng liên quan đến vấn đề này. Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng yêu cầu lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

“Đề nghị bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết chủ trương này có được cụ thể trong cải cách tiền lương năm 2024 hay không?” – ĐB chất vấn.

Trả lời, bà Trà thừa nhận thu nhập của giáo viên đã cải thiện nhưng vẫn thấp so với tính chất đặc thù nhà giáo. Tới đây khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27, đặc biệt quán triệt tinh thần Nghị quyết 29/2013 của Trung ương. Theo đó, lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp.

“Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát chế độ tiền lương, nhất là tiền lương mới và phụ cấp, dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định” – bà Trà khẳng định.

Đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn ĐBQH TP.HCM tại phiên chất vấn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Còn ĐB Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) đề nghị việc tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy trong ngành giáo dục không nên thực hiện theo cách “cào bằng, cơ học” vì có thể gây áp lực lớn đến đội ngũ giáo viên.

Về việc này, theo bà Trà, để giải quyết triệt để cần hoàn thiện về thể chế, trước hết là sửa Luật Giáo dục và có thể ban hành Luật Nhà giáo, các nghị định, thông tư liên quan… để từ đó có điều kiện đảm bảo đời sống giáo viên, đảm bảo số lượng, chất lượng cho hoạt động của đơn vị sự nghiệp giáo dục.

Bà Trà cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát cơ chế để thúc đẩy tự chủ trong lĩnh vực giáo dục, từ đó giảm bớt số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Các địa phương phải tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô trường, lớp nhằm giảm đầu mối.

Liên quan câu hỏi của ĐB Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) về tiền lương cho nhân viên ngành giáo dục, bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận chế độ lương đối với viên chức, nhân viên trường học hiện nay “rất thấp, chưa đảm bảo mức lương tối thiểu vùng theo quy định”. Vừa qua, Bộ Nội vụ cũng đề nghị các địa phương tổng rà soát nhân viên trường học để có phương án rà soát, sắp xếp danh mục vị trí việc làm chuẩn bị cho việc cải cách chính sách tiền lương với đối tượng này.

Cũng theo bà Trà, nhân viên trường học là viên chức không hưởng phụ cấp công vụ 25% nên tới đây xếp lương sang chính sách tiền lương mới sẽ thiệt thòi. Trong khi đó, nhiều đơn vị, địa phương, bộ, ngành chưa hướng dẫn thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức với họ.

“Có những nhân viên kế toán 10 năm rồi, họ là viên chức nhưng chưa được thi thăng hạng. Tới đây rà soát để xét thăng hạng cho nhân viên là viên chức trong trường học để đảm bảo khi cải cách tiền lương sẽ có điều kiện xếp lương cho họ tốt hơn” – bà Trà nói.

*********

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) chất vấn các bộ trưởng về vấn đề bảo vệ người dân trước tình trạng bị “bắt nạt” trên mạng. Ảnh: PHẠM THẮNG

NHÓM PHÓNG VIÊN