Nhọc nhằn nhân viên y tế vùng cao

Nhọc nhằn nhân viên y tế vùng cao

Quanh năm lăn lộn, bám thôn để tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhưng cơ chế, chính sách dành cho nhân viên y tế thôn, bản đến nay vẫn chưa hợp lý.

Công việc nhiều

Trưa đầu tuần, làm việc xong tại UBND xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh), bà Cao Thị Phượng chạy xe quanh thôn A Xây nắm tình hình. Vào nhà bà Bo Bo Thủy, bà Phượng hỏi han việc học hành, ăn uống của 2 con bà Thủy, rồi đi khắp khuôn viên kiểm tra từng lu, can đựng nước. Thấy đôi ủng đi rẫy để ở góc sân chứa đầy nước mưa, bà Phượng gọi bà Thủy tới, chỉ cho xem lăng quăng đang sinh sôi trong đó, rồi dốc sạch nước, úp ngược ủng xuống đất, dặn dò đậy nắp hoặc trút sạch nước trong vật đựng để phòng bệnh sốt xuất huyết. Bà Thủy vui vẻ nói: “Nhờ bà Phượng nhắc nhở nên tôi đưa cháu đi tiêm chủng rất đúng lịch, biết cách ngủ mùng phòng sốt rét. Bà Phượng còn thường xuyên qua nhà nhắc nhở, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, giữ vệ sinh môi trường… Cả thôn coi bà như người nhà!”.

Bà Cao Thị Phượng hướng dẫn người dân không nên để đọng nước ở các vật dụng trong nhà.

Bà Phượng làm nhân viên y tế thôn, bản ở thôn A Xây đã 11 năm. Cả thôn có 176 hộ dân, được bà quán xuyến, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe ban đầu. Từ năm 2014, bà còn làm Trưởng thôn, rồi kiêm Phó Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn nên công việc bận tối mặt. Bà cười nói: “Tôi là người địa phương nên dễ tiếp xúc với người dân. Hàng ngày được hướng dẫn mọi người giữ gìn sức khỏe, còn gì vui bằng”. Từ năm 2014 đến nay, bà đã vận động được 2 ca đình sản, 57 ca uống thuốc tránh thai, 8 ca sử dụng bao cao su, 6 ca tiêm thuốc tránh thai; riêng tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ trong độ tuổi của thôn đạt hơn 90%. Bà còn thường xuyên được người dân tin tưởng hỏi cách uống thuốc, cách phòng Covid-19, chăm sóc bà mẹ, trẻ em…

Hơn 20 năm làm y tế thôn, bản ở thôn Suối Sâu, xã Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh), bà Phạm Thị Lan nhớ nhất đợt lụt năm 2003. Khi đó, nước tràn vào Trạm y tế xã, ngập sâu, đường đi bị chia cắt, đúng lúc trạm có thai phụ chuyển dạ. Bà đã hỗ trợ Trưởng trạm Y tế xã kê cao giường cho sản phụ, rồi hồi hộp phụ đỡ đẻ. Tận khi đón bé từ tay trưởng trạm để làm vệ sinh, nghe bé khóc to, bà mới thở phào, rưng rưng vì hạnh phúc. Giao bé cho mẹ, bà lại tất tả đội mưa, về nhà nấu đồ ăn mang cho sản phụ, rồi ở lại cả tối, rỉ rả tâm sự, trấn an. Khi dịch Covid-19 bùng phát, bà theo đội ngũ y tế, các đoàn thể đi tuyên truyền, vận động, trực chốt, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm… “Mỗi năm 2 lần, tôi xách cân tới từng nhà có trẻ dưới 5 tuổi cân đo, cho trẻ uống vitamin A. Biết tôi tới, các bà mẹ ẵm con chờ sẵn, xong việc còn giúi cho tôi quả bưởi, trái mận nhà trồng… Những tình cảm đó giúp tôi gắn bó lâu dài với công việc”, bà Lan chia sẻ.

Phụ cấp khiêm tốn

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, người có 16 năm làm y tế thôn, bản kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phong Ấp, xã Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa) nói vui, việc của y tế thôn, bản liệt kê 2 bàn tay không hết: Tham gia hỗ trợ công tác tiêm chủng mở rộng; vận động khám thai; hỗ trợ đẻ thường; phát hiện, tham gia giám sát và báo cáo tình hình dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh xã hội, ngộ độc thực phẩm tại thôn; tham gia thực hiện các chương trình y tế; vận động người dân trồng, sử dụng thuốc nam tại nhà để phòng, chữa một số bệnh thông thường; cho trẻ uống vitamin A, cân đo tại nhà cho trẻ bị suy dinh dưỡng; sơ cứu ban đầu các tai nạn. Đồng thời, theo dõi và thường xuyên hướng dẫn cho người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi; thực hiện kế hoạch hóa gia đình… Vậy nhưng, bà Thoa chỉ được nhận hơn 400.000 đồng/tháng (từ ngày 1-7 là hơn 500.000 đồng). Đây là khoản phụ cấp theo Quyết định số 75 ngày 11-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản. Theo đó, mức 0,5 lương tối thiểu được áp dụng đối với các xã vùng khó khăn; mức 0,3 lương tối thiểu được áp dụng đối với các xã còn lại.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa (bìa phải) phát tờ rơi, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Bà Phạm Thị Lan chia sẻ: “Để có thêm thu nhập, tôi tranh thủ làm mướn khi rảnh, được 200.000-300.000 đồng/ngày. Có người bảo, làm thuê 2 ngày bằng phụ cấp cả tháng làm nhân viên y tế thôn, bản sao không nghỉ việc đi. Nghe vậy, tôi cũng chạnh lòng, nhưng vẫn bám trụ, vì nghĩ công việc này giúp bảo vệ sức khỏe cho người dân”. Bà Trần Thị Vân – Trưởng trạm Y tế xã Ninh Bình cho biết, xã có 8 thôn, gần 12.000 người, trong đó có gần 770 trẻ. Hiện tại, toàn xã có 13 nhân viên y tế thôn, bản, thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, hỗ trợ đắc lực cho trạm. Tuy nhiên, phụ cấp cho họ còn thấp; 3 năm vừa qua, ở xã có 1 nhân viên y tế thôn, bản bỏ việc, chủ yếu vì lý do kinh tế.

Còn trống y tế thôn, bản ở phường, thị trấn

Quyết định số 75 quy định, không áp dụng đối với nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn. Vì vậy, nếu phường, thị trấn không tự cân đối được ngân sách thì không bố trí được đội ngũ này. Bà Phạm Thị Yên – Trưởng trạm Y tế thị trấn Khánh Vĩnh chia sẻ, thị trấn có 6 tổ dân phố, với gần 5.200 nhân khẩu, nhưng trạm chỉ có 7 người (cả bảo vệ). Do không có nhân viên y tế thôn, bản nên trạm gặp nhiều khó khăn, nhất là việc giám sát, phát hiện dịch bệnh tại địa bàn; tuyên truyền, tư vấn bảo vệ bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình… Trạm phải nhờ các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương hỗ trợ. Trạm kiến nghị được có đội ngũ y tế thôn, bản để hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được tốt hơn.

Bà Lê Thị Kim Liên – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh cho biết, toàn huyện có 48 nhân viên y tế thôn, bản; được bố trí cho 33 thôn, trong đó 29 thôn đặc biệt khó khăn. Trong 48 người, hơn 90% là người dân tộc thiểu số và đều hoạt động rất tốt, góp phần hỗ trợ trung tâm và các trạm y tế thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đối với miền núi, rất cần sử dụng người địa phương để gần gũi, dễ dàng hướng dẫn người dân. Nếu thị trấn không có y tế thôn bản sẽ rất khó hoạt động.

Biết ở tổ dân phố có trẻ mới xuất viện, bà Nguyễn Thị Tuyết Trang tới thăm hỏi.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Trang (tổ dân phố Mỹ Trạch, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa) gắn bó với công tác y tế thôn, bản được gần 20 năm. Từ khi Ninh Hà lên phường, 6 nhân viên y tế thôn, bản không còn làm việc, bà làm cộng tác viên dân số, dinh dưỡng, trưởng ban công tác mặt trận. Do muốn chia sẻ phần nào với Trạm Y tế phường nên bà và 1 nhân viên cũ tự nguyện hỗ trợ một số nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản. Nhưng dù yêu công việc, bà không dám chắc cả hai có thể bám trụ lâu dài nếu không được làm chính danh.

Bác sĩ BÙI XUÂN MINH – Giám đốc Sở Y tế: Hiện nay, toàn tỉnh có gần 700 nhân viên y tế thôn, bản, phủ khắp các thôn. Họ như “cánh tay nối dài” của ngành Y tế, có vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bà mẹ, trẻ em; kế hoạch hóa gia đình; tiêm chủng mở rộng; phòng, chống dịch bệnh… Đội ngũ này có tinh thần trách nhiệm, tận tụy, giúp các tuyến y tế nắm bắt tình hình sức khỏe của người dân để xử lý kịp thời, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế – dân số, phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, theo Quyết định số 75, nhân viên y tế thôn, bản mới chỉ được hưởng phụ cấp 0,3-0,5 lương tối thiểu (tùy vùng) nên ảnh hưởng tới sự gắn bó với công việc của họ. Quyết định số 75 lại không áp dụng cho phường, thị trấn nên các địa phương này không có nhân viên y tế thôn, bản, gây bất cập cho hoạt động y tế, nhất là huyện miền núi.

NGUYỄN VŨ – BÁ NGHĨA