Những hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản

Những hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản

Quan hệ Ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển không ngừng

Sáng 18/12, tại thủ đô Tokyo, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 50 năm Quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi ăn sáng, làm việc với Chủ tịch Hội đồng Ngoại giao Nhân dân Nhật Bản (FEC) và các thành viên của FEC.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội đồng Ngoại giao Nhân dân Nhật Bản (FEC). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chủ tịch FEC Ken Matsuzawa bày tỏ vinh dự, vui mừng được tiếp xúc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ông đánh giá rằng thời gian gần đây, Việt Nam nổi lên là quốc gia có vai trò, vị trí quan trọng cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao… trong khu vực và thế giới, được cộng đồng thế giới chú ý, trong đó có đóng góp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Chủ tịch Matsuzawa nhấn mạnh sau 50 năm thiết lập, Quan hệ Ngoại giao hai nước Việt Nam-Nhật Bản phát triển không ngừng và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hai nước cùng chia sẻ, cùng xây dựng, phát triển đất nước và đóng góp cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển trong khu vực châu Á và trên thế giới; tin tưởng chuyến công tác tới Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thành công như mong đợi, đóng góp to lớn cho quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.

Cũng tại cuộc tiếp xúc, các thành viên của FEC cho biết cùng với thúc đẩy giao lưu Nhân dân, thiết lập các cặp quan hệ địa phương, bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, năng lượng, tài chính, khoa học công nghệ, thực phẩm, y tế, giáo dục đào tạo…; mong muốn cùng Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh FEC đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với Việt Nam, có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả đối với sự phát triển quan hệ hai nước.

Thủ tướng nhấn mạnh trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio đã cùng ra Tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở Khu vực châu Á và trên thế giới,” mở ra trang mới của Quan hệ Hợp tác Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và toàn diện với tầm nhìn 50 năm tiếp theo trên tinh thần tin cậy, chân thành.

Điểm lại kết quả 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, sau 50 năm, quan hệ hai nước có “6 hơn” gồm tình cảm sâu sắc hơn; chân thành được cảm nhận rõ hơn; tin cậy cao hơn; hiệu quả thực chất hơn; hợp tác ngày càng mở rộng hơn cả về phạm vi, quy mô; hiểu biết và yêu quý nhau hơn.

Thông tin tới FEC về những nội dung cần thực hiện để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, cũng như định hướng phát triển đất nước của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn Chủ tịch Matsuzawa cùng FEC với uy tín của mình sẽ quan tâm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Trong đó, FEC tiếp tục tổ chức các hoạt động để tăng cường hiểu biết lẫn nhau; quan tâm và ủng hộ các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế; thúc đẩy giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân; quan tâm, hỗ trợ Cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.

Đặc biệt, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học quản lý, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách…; đóng góp cho quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển trong khu vực châu Á và trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko và các lãnh đạo của JICA

Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 18/12, tại Thủ đô Tokyo, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko và các lãnh đạo của JICA.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch JICA Tanaka Akihiko vui mừng gặp lại Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhất là sau khi Việt Nam-Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở khu vực châu Á và trên thế giới;” vui mừng vì ngay trong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản lần này đã có thêm các thỏa thuận hợp tác Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) mới giữa hai nước được ký kết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ trân trọng, đánh giá cao những đóng góp quan trọng của JICA cũng như cá nhân Ngài Chủ tịch trong việc triển khai các dự án ODA tại Việt Nam thời gian qua; cho biết chính phủ và người dân Việt Nam rất quan tâm và luôn nỗ lực thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các khoản vốn vay ODA.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản Tanaka Akihiko. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng cảm ơn JICA đã phối hợp với phía Việt Nam triển khai hiệu quả thủ tục về khoản vay ODA thế hệ mới 50 tỷ yen (351,4 triệu USD) và các dự án ODA thời gian qua, đưa Nhật Bản trở thành nhà cung cấp ODA số 1 cho Việt Nam, góp phần làm sôi động hợp tác ODA giữa hai nước.

Cho rằng hợp tác ODA là một nội dung quan trọng liên kết kinh tế giữa hai nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị JICA phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để cụ thể hóa quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở khu vực châu Á và trên thế giới” giữa Việt Nam-Nhật Bản bằng các chương trình, dự án cụ thể, với lộ trình cụ thể, hiệu quả hơn.

Trong số đó, phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm, nghiên cứu việc cung cấp ODA thế hệ mới theo hình thức hỗ trợ ngân sách để Việt Nam phát triển các dự án hạ tầng chiến lược, nhất là những dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn như đường sắt, đường bộ cao tốc, cảng biển, hàng không…

Cùng với đó, hỗ trợ Việt Nam phát triển các lĩnh vực mới như Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh, công nghiệp bán dẫn, đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác lao động, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân…

Cảm ơn, nhất trí cao với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch JICA cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để triển khai hợp tác theo các ưu tiên mà Thủ tướng đã đề cập; mong muốn phía Việt Nam phối hợp để cùng nhau giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án cụ thể.

Thủ tướng tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều ngày 18/12, tại Tokyo, trong khuôn khổ chuyến công tác, dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản, Cố vấn Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam Suga Yoshihide.

Tại buổi tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chân thành cảm ơn, đánh giá cao những tình cảm tốt đẹp mà ông Suga Yoshihide đã dành cho Việt Nam và những đóng góp tích cực của ông đối với quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, nhất là việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch bệnh COVID-19, trong đó có hơn 7,4 triệu liều vaccine viện trợ không hoàn lại.

Nhấn mạnh quan hệ hai nước trong 50 năm qua rất tốt đẹp, với tinh thần “từ trái tim đến trái tim,” “từ hành động đến hành động,” “từ cảm xúc đến hiệu quả,” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị cựu Thủ tướng, Cố vấn Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam Suga Yoshihide tiếp tục quan tâm ủng hộ, đóng góp nhiều hơn nữa để cụ thể hóa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Nhật Bản thành những chương trình, dự án cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực.

Thúc đẩy tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; tăng cường liên kết kinh tế, đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, ODA, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ…; hợp tác văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, Chuyển đổi Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…

Thủ tướng đề nghị ông Suga Yoshihide ủng hộ, thúc đẩy phía Nhật Bản cấp các khoản vay ODA thế hệ mới cho Việt Nam với thủ tục đơn giản, linh hoạt hơn, tập trung cho một số dự án, lĩnh vực trọng điểm; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, nới lỏng và tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản.

Cựu Thủ tướng, Cố vấn Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam Suga Yoshihide chia sẻ tình cảm sâu đậm với Việt Nam – nước đầu tiên mà ông công du sau khi trở thành Thủ tướng; hoan nghênh những bước tiến trong quan hệ song phương, nhất là việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, triển khai hợp tác tốt đẹp trên những lĩnh vực mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ông cho rằng chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ góp phần mở ra một giai đoạn phát triển mới thực chất, hiệu quả hơn nữa của quan hệ song phương.

Ông Suga Yoshihide đánh giá cao nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng tăng về số lượng và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản; nhấn mạnh cùng với hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, hai nước cần hợp tác để vượt qua các thách thức xã hội, phát triển bền vững; khẳng định sẵn sàng tiếp tục đồng hành, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước, nhất là thúc đẩy doanh nghiệp hợp tác thương mại, đầu tư và hợp tác lao động…

Tại cuộc gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hai thủ tướng cùng bày tỏ hài lòng về một năm 2023 sôi nổi các hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, đặc biệt là các chuyến thăm và trao đổi cấp cao.

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đánh giá cao chính sách đối ngoại và điều hành kinh tế của Chính phủ Việt Nam, thể hiện qua kết quả kinh tế ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, tạo đà vững vàng cho tăng trưởng các năm tiếp theo.

Hai thủ tướng nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, trong đó có tạo thuận lợi thúc đẩy thương mại đầu tư, hợp tác năng lượng sạch, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân; sớm trao đổi về các nội hàm tiến tới nâng cấp quan hệ Việt Nam và Singapore lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào thời gian phù hợp.

Hai thủ tướng cũng nhất trí sớm cụ thể hóa quan hệ Đối tác Kinh tế Xanh-Kinh tế Số đã thiết lập; mở rộng mạng lưới các khu công nghiệp VSIP sang các địa phương xa trung tâm của Việt Nam, khuyến khích chuyển đổi các khu VSIP truyền thống sang khu công nghiệp kết hợp năng lượng (VSEP) thông minh, Xanh, phát thải carbon thấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp thống đốc 5 tỉnh của Nhật Bản

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 17/12, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp Thống đốc các tỉnh Aichi, Tochigi, Niigata, Kanagawa và Yamanashi của Nhật Bản tại thủ đô Tokyo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Fukuda Tomikazu, Thống đốc tỉnh Tochigi, Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại các buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Nhật Bản, trong đó có sự phát triển vượt bậc của hợp tác địa phương; khẳng định một trong những mục đích chính của chuyến thăm lần này là ưu tiên thúc đẩy hợp tác địa phương Việt Nam-Nhật Bản, mở rộng giao lưu, hợp tác trên tinh thần đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành quả hợp tác giữa tỉnh Aichi, Tochigi, Niigata, Kanagawa và Yamanashi với các Bộ, ngành, địa phương đối tác của Việt Nam, cũng như tình cảm, sự quan tâm và ủng hộ của các Thống đốc cùng chính quyền các tỉnh trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trong thời gian qua; đề nghị lãnh đạo các địa phương của Nhật Bản thúc đẩy quan hệ hợp tác với các địa phương Thái Bình, Khánh Hòa, Hải Dương, Cần Thơ… cùng tham gia đoàn công tác của Chính phủ lần này.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Thống đốc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có thông qua đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp; thúc đẩy đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục với các địa phương của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Hanazumi Hideyo, Thống đốc tỉnh Niigata, Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển của tỉnh cũng như quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Tại các buổi tiếp, Thống đốc các địa phương Nhật Bản bày tỏ vinh dự được tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tới Nhật Bản tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản; bày tỏ vui mừng trước việc hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 11/2023 vừa qua.

Thống đốc các địa phương đều đánh giá cao đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam vào sự phát triển kinh tế-xã hội sở tại và bày tỏ mong muốn tăng cường tiếp nhận người Việt Nam sang học tập, làm việc tại tỉnh; khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh hòa nhập hơn với cuộc sống sở tại.

Tại cuộc tiếp Thống đốc tỉnh Aichi Omura Hideaki, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được thông báo về hợp tác chặt chẽ, sâu rộng giữa tỉnh Aichi với Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, giao lưu nhân dân khi hơn 200 doanh nghiệp tỉnh đang đầu tư vào Việt Nam, số lượng người Việt Nam tại tỉnh đứng đầu Nhật Bản là 53.000 người.

Bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thực chất với các địa phương Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Phúc thông qua tăng cường trao đổi đoàn, hợp tác kinh tế, đầu tư, tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội…, Thống đốc tỉnh Aichi Omura Hideaki cho biết từ năm 2018, tỉnh này đã thường xuyên tổ chức Lễ hội Việt Nam với sự phối hợp của Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút sự tham dự của hơn 100.000 lượt khách, góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh Việt Nam tại tỉnh và hợp tác văn hóa, du lịch giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Nagasaki Kotaro, Thống đốc tỉnh Yamanashi, Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Thống đốc Omura, với thế mạnh về công nghiệp của tỉnh Aichi, quan tâm hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa như cam kết của Thủ tướng Kishida đối với Việt Nam; tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp tỉnh Aichi đầu tư vào Việt Nam lên 400 doanh nghiệp sau 10 năm; thúc đẩy tổ chức Lễ hội Hoa Anh đào tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi tiếp Thống đốc tỉnh Tochigi Fukuda Tomikazu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được thông báo về thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Tochigi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thúc đẩy hợp tác đầu tư vào Việt Nam cũng như nỗ lực của tỉnh trong thúc đẩy hợp tác giáo dục, du lịch giữa tỉnh Tochigi và Việt Nam thông qua hợp tác với Đại học Bách Khoa, lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Việt Nam tại tỉnh vào tháng 11/2023 vừa qua; bày tỏ mong muốn sẽ thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở thỏa thuận đã ký kết.

Thủ tướng Chính phủ nhắc lại những kỷ niệm khi đến thăm tỉnh Tochigi vào tháng 11/2021; đề nghị Thống đốc Fukuda Tomikazu quan tâm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như chuyển đổi số, lao động, giáo dục, du lịch, đào tạo; đề nghị tạo điều kiện để công ty FPT hoạt động hiệu quả tại tỉnh Tochigi.

Tại buổi tiếp Thống đốc tỉnh Niigata Hanazumi Hideyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được thông báo về việc tỉnh Niigata ký kết thỏa thuận hợp tác với tỉnh Thanh Hóa và Vĩnh Long về thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch; cam kết sẽ tiếp tục đưa nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tỉnh đến đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của Thống đốc Hanazumi Hideyo trong thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Niigata với Việt Nam thời gian qua; hoan nghênh việc có nhiều doanh nghiệp tỉnh Niigata đang đầu tư thành công và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, thực phẩm…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Kuroiwa Yuji, Thống đốc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại buổi tiếp Thống đốc tỉnh Kanagawa Kuroiwa Yuji, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được thông báo về việc tỉnh Kanagawa tổ chức định kỳ các sự kiện giao lưu văn hóa, thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch, lao động giữa hai nước như 6 lần tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Kanagawa, 4 lần tổ chức Lễ hội Kanagawa tại thành phố Hà Nội và Đà Nẵng, các hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại…; hiện đã có 24 doanh nghiệp của tỉnh đầu tư tại Việt Nam và 17 doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại tỉnh Kanagawa.

Thống đốc Kuroiwa cũng thông báo về sáng kiến chăm sóc sức khỏe “Me-byo” tại tỉnh nhằm xây dựng xã hội ít bệnh tật thông qua các biện pháp y tế, sức khỏe, xã hội.

Thống đốc Kuroiwa Yuji khẳng định mong muốn tiếp tục thúc đẩy thực chất quan hệ với Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương đối tác Việt Nam đã thiết lập quan hệ như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Cần Thơ, Lạng Sơn…; thúc đẩy hợp tác du lịch, đầu tư của doanh nghiệp tỉnh Kanagawa vào Việt Nam trong các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, môi trường, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng, y tế…

Đánh giá cao thành tựu của tỉnh Kanagawa trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thống đốc Kuroiwa Yuji xem xét thành lập trung tâm nghiên cứu vấn đề già hóa dân số tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để kiến nghị chính sách ứng phó với vấn đề này.

Thủ tướng gặp lãnh đạo các nước nhân Hội nghị 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 17/12, tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Thái Lan, Tổng thống Philippines, Quốc vương Brunei, Thủ tướng Malaysia.

Tiếp theo cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo chiều 16/12, gặp lại Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong khảo sát, xây dựng, cung cấp nguồn vốn ODA thế hệ mới cho các dự án xây dựng Hạ tầng Số, Chuyển đổi Xanh, phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam với mức ưu đãi cao hơn, thủ tục đơn giản, linh hoạt hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, bao gồm tăng cường tiếp nhận người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc; sớm đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, hướng tới miễn thị thực cho người Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản.

Thủ tướng Kishida bày tỏ vui mừng trước thành công của cuộc hội đàm cấp cao ngày 16/12 vừa qua; khẳng định hết sức coi trọng các đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính và sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng các đề xuất của Việt Nam.

Gặp Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, hai bên nhất trí phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động Triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược Tăng cường Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2022-2027, sớm đưa kim ngạch thương mại đạt mục tiêu 25 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước ASEAN dự tiệc chiêu đãi của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Phu nhân. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh; chú trọng triển khai sáng kiến “Ba kết nối,” tập trung vào các lĩnh vực như Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh và kinh tế tuần hoàn; phấn đấu đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh; trao đổi thông tin trong đấu tranh với các loại tội phạm xuyên biên giới.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch và phối hợp xây dựng các chương trình hợp tác kết nối 3 nước, 4 nước trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Srettha Thavisin khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Thái Lan ở khu vực và hai bên còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trong tương lai; cho biết sẽ thăm chính thức Việt Nam trong năm 2024 và đồng chủ trì Họp Nội các chung lần thứ 4 giữa hai nước, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Hai Thủ tướng cũng nhất trí về việc tăng cường đoàn kết và thống nhất trong ASEAN; thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng Mekong; ủng hộ lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Tại cuộc gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, hai nhà Lãnh đạo nhất trí triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh như lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Philippines cũng khẳng định tiếp tục duy trì hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như ứng phó biến đổi khí hậu và các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Tổng thống Philippines bày tỏ vui mừng sẽ thăm Việt Nam trong năm 2024 nhằm trao đổi về phương hướng tăng cường hơn nữa Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước.

Tại cuộc gặp và trao đổi ngắn với Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, hai bên đánh giá cao những phát triển tích cực của Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Brunei.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động triển khai Quan hệ Đối tác Toàn diện giai đoạn 2023-2027 và những kết quả, thỏa thuận đạt được nhân chuyến thăm chính thức Brunei của Thủ tướng Chính phủ (tháng 2/2023).

Quốc vương Brunei ủng hộ các biện pháp tăng cường hợp tác hai nước và khẳng định sẽ sớm sang thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp trong năm 2024.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, hai bên nhất trí đánh giá Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Malaysia đang phát triển hết sức tích cực, đặc biệt đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1973-2023).

Thủ tướng Malaysia bày tỏ sự kính trọng và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh; cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đang cho dịch một số bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Malaysia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết sẽ gửi tặng Thủ tướng Malaysia sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối ngoại giao, quốc phòng, an ninh và phát triển của Việt Nam.

Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao, trong đó có kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia (7/2023); tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; sớm tổ chức họp Ủy ban Hỗn hợp về Thương mại lần thứ 4 để trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy thương mại song phương phát triển theo hướng cân bằng, tạo thuận lợi xuất nhập khẩu, dỡ bỏ rào cản thương mại; khai thác hiệu quả các tiềm năng hợp tác giữa hai nước, trong đó có nông nghiệp, sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, tài chính, ngân hàng…

Hai nhà Lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như Chuyển đổi Số, năng lượng sạch, Kinh tế Xanh, tuần hoàn… tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai nước và thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao từ các nước khác.

Nhân dịp này, Thủ tướng Malaysia cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ sơ tán công dân Malaysia mắc kẹt tại Myanmar, đề nghị duy trì đường dây nóng giữa hai Thủ tướng và hai Bộ Ngoại giao để giải quyết các vấn đề quan trọng.

Thông qua Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 17/12, tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản.

Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định coi trọng mối quan hệ đoàn kết, hợp tác với Nhật Bản, đối tác lâu đời, đáng tin cậy nhất của ASEAN, cùng đóng góp sự phát triển của mỗi bên cũng như hòa bình, ổn định và phồn vinh của cả khu vực.

Sau 50 năm không ngừng củng cố và phát triển, đến nay hợp tác ASEAN-Nhật Bản đã mở rộng tới tất cả các lĩnh vực và hai bên đã nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 9/2023.

Đáng chú ý, tổng kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN-Nhật Bản đạt 268,5 tỷ USD, vốn đầu tư đạt 26,7 tỷ USD trong 2023.

Nhiều hoạt động giao lưu, văn hóa, hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển tiểu vùng… được triển khai mạnh mẽ, đã góp phần củng cố vững chắc sự gắn kết giữa hai bên.

Hướng tới tương lai, hai bên nhất trí sẽ đưa quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả, tương xứng với tầm vóc của Đối tác Chiến lược Toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trong đó, nhất trí sẽ nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng tại khu vực, tạo thuận lợi hơn cho hàng xuất khẩu vào thị trường của nhau. Đồng thời, ASEAN và Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hợp tác mới, nhiều tiềm năng như Kinh tế Xanh, Kinh tế Số, kinh tế tuần hoàn.

Các nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia…

Phiên bế mạc Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh Nhật Bản coi ASEAN là một trong ưu tiên chính sách đối ngoại nói chung và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (FOIP) của Nhật Bản nói riêng; cam kết tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm trong khu vực.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio công bố khoản hỗ trợ trị giá 40 tỷ yen (hơn 281 triệu USD) cho giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa-giáo dục và 15 tỷ yen cho các chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu quốc tế (tiếp theo khoản đóng góp thêm 14,2 tỷ yen cho Quỹ Hội nhập ASEAN-Nhật Bản (JAIF) đã được công bố từ đầu năm).

Các đại biểu dự hội nghị đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Các nước cho rằng trong bối cảnh phức tạp, bất ổn, xung đột gia tăng, các nước trong khu vực cần tăng cường hợp tác giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, đề cao văn hóa đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó có Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Tham dự hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cao ý nghĩa lịch sử của hội nghị, đánh giá cao tinh thần đoàn kết và hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản, điển hình là trong những thời điểm khó khăn như khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á 1997-1998, COVID-19 hay thảm họa, thiên tai ở mỗi khu vực.

Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ với Nhật Bản là một trong những mối quan hệ thành công nhất của ASEAN, đồng thời đề nghị trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua nhiều “cơn gió ngược” với nhiều thách thức chưa có tiền lệ, hai bên cần tăng cường hợp tác, phấn đấu đưa Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Nhật Bản trở thành một biểu tượng của đoàn kết và hợp tác quốc tế.

Trên cơ sở tổng kết, đúc rút 3 bài học sâu sắc trong chặng đường phát triển quan hệ ASEAN-Nhật Bản 50 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 3 phương hướng lớn để quan hệ ASEAN-Nhật Bản trở thành hình mẫu, nhân tố tích cực, đóng vai trò quan trọng vào bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển và cùng thắng ở khu vực.

Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường hơn nữa phối hợp chiến lược, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, dựa trên luật lệ, với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Nhật Bản cần tiếp tục có tiếng nói ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông; tích cực hỗ trợ các nước thuộc tiểu vùng Mekong ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống, sớm khởi động lại cơ chế hợp tác Mekong, ưu tiên thúc đẩy các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển bền vững trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư cho nhân tố con người – chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực cho sự phát triển nói chung và của quan hệ ASEAN-Nhật Bản nói riêng; hoan nghênh các hoạt động trao đổi văn hóa-xã hội, giao lưu nhân dân trong khuôn khổ “đối tác từ trái tim đến trái tim” ASEAN-Nhật Bản, trong đó có 500 hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong 2023.

Đồng thời đề nghị cần cụ thể hóa quan hệ “từ trái tim đến trái tim” trở thành quan hệ “từ hành động đến hành động,” và “từ cảm xúc đến hiệu quả” với các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực, cụ thể trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Nhật Bản.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh 4 kết nối, trong đó đề nghị hai bên tăng cường kết nối về kinh tế, thương mại, đầu tư; coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Nhật Bản; đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược; mở rộng kết nối trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi Số, Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và nông nghiệp thông minh…, đưa các lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới, sức sống mới cho hợp tác ASEAN-Nhật Bản thời gian tới; ưu tiên kết nối thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Trên tinh thần lấy tin cậy chính trị làm nền tảng, hợp tác kinh tế làm động lực và lấy giao lưu nhân dân làm trung tâm, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng con thuyền ASEAN-Nhật Bản sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục rẽ sóng vươn xa trong 50 năm tới và xa hơn nữa.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác tin cậy” và “Kế hoạch Triển khai Tuyên bố tầm nhìn” làm cơ sở để triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Nhật Bản thời gian tới./.

Hồng Nhung