Những việc nên làm để có kỳ nghỉ lễ 30/4 trọn vẹn

Những việc nên làm để có kỳ nghỉ lễ 30/4 trọn vẹn

Chuẩn bị sẵn sàng về vấn đề sức khỏe của bạn trước, trong và sau chuyến du lịch để có một kỳ nghỉ trọn vẹn. Ảnh: @dulcie.travel.

Dịp nghỉ lễ luôn là thời điểm lý tưởng để đi du lịch cùng gia đình, người thân hay bạn bè. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra một số lưu ý khi đi du lịch, giúp bạn có sức khỏe tốt và tận hưởng trọn vẹn chuyến đi chơi dịp lễ 30/4 – 1/5 sắp tới.

Theo dõi tình hình thời tiết tại nơi đến

Để có một chuyến du lịch trọn vẹn, thời tiết là một yếu tố bạn cần phải chú ý vì nó ảnh hưởng đến trải nghiệm của toàn bộ chuyến đi. Theo dõi tình hình thời tiết sắp tới giúp lựa chọn trang phục, vật dụng cá nhân phù hợp. Nếu du lịch bằng máy bay, thời tiết xấu sẽ khiến chuyến bay bị hoãn, ảnh hưởng đến kế hoạch vui chơi.

Vậy nên trước chuyến đi ít nhất một tuần, bạn nên xem dự báo thời tiết trên TV hoặc trang web về thời tiết nơi bạn đến để có thể lên kế hoạch cho một chuyến đi ý nghĩa.

CDC Mỹ cũng khuyến cáo hãy kiểm tra điểm đến của bạn để biết các rủi ro về sức khỏe và tình hình an ninh nơi bạn muốn đến.

Chuẩn bị đồ đạc và hành lý

Sau khi theo dõi tình hình thời tiết, hãy lựa chọn những trang phục, vật dụng cá nhân phù hợp để tránh bị quá nóng hoặc quá lạnh. Bạn nên hạn chế mang quá nhiều đồ đạc vì chúng làm hành lý trở nên cồng kềnh.

Trước khi cho tất cả chúng vào vali, hãy kiểm tra kỹ danh sách vật dụng cần thiết một lần nữa và sắp xếp chúng một cách gọn gàng, khoa học.

Chuẩn bị thuốc, vật dụng sơ cứu

Chuẩn bị một bộ dụng cụ y tế du lịch với những món đồ cần thiết, khó tìm thấy trong chuyến đi như: Một số loại thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa, thuốc hạ sốt, thuốc chống dị ứng, viêm da dị ứng, say xe. Ngoài ra, bạn nên trang bị thêm bộ sơ cứu, thuốc chống côn trùng, kem chống nắng (SPF15 trở lên), lô hội, cồn khử trùng.

Việc mang theo một bộ dụng cụ đầy đủ sẽ giúp bạn chuẩn bị cho những va chạm nhỏ trong chuyến du lịch. Các loại băng keo cá nhân, băng quấn, cồn, Povidine, oxy già, bông gòn, que tăm bông, dầu nóng, dầu khuynh diệp, khăn lau mát…

Đối với những người có các bệnh lý nền (huyết áp, hen suyễn, đái tháo đường… ) thì cần mang theo đầy đủ thuốc hoặc gặp bác sĩ khám để nhận được tư vấn trước những chuyến đi dài ngày.

Trang bị một số loại thuốc như: thuốc hạ sốt, thuốc đau bụng, thuốc say xe. Ảnh: Freepik.

Đừng quên chống nắng

CDC Mỹ khuyến nghị nên thoa kem chống nắng có chỉ số SPF15 hoặc cao hơn khi đi du lịch. Lưu ý thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài trời khoảng từ 15 đến 30 phút và thoa lại sau 2-3 giờ để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất.

Ngoài bôi kem chống nắng bạn cũng nên bổ sung đủ nước nếu đi du lịch ở vùng có nhiệt độ cao, cũng như che chắn bằng quần áo rộng và trang bị đầy đủ mũ rộng vành, khăn quàng cổ, áo chống nắng, kính mát hoặc ô.

Ngoài ra, khi di chuyển bằng xe máy, hơi nóng, nắng và gió bốc hơi từ dưới lòng đường dễ khiến người điều khiển phương tiện hoa mắt, chóng mặt, thậm chí say nóng say nắng. Vì vậy, khi di chuyển bằng phương tiện này cần che nắng kỹ, mặc đồ thoáng mát và nghỉ ngơi dọc đường.

Thận trọng khi ăn thức ăn mới

Hãy lựa chọn các loại thực phẩm ăn nóng cũng như thực phẩm khô và nước đóng chai vì chúng an toàn hơn.

Bạn cũng cần duy trì thói quen ăn uống cân bằng từ trước và trong khi du lịch. Ưu tiên dùng những loại trái cây giúp tăng cường hệ miễn dịch (như lê, ổi, dâu tây), mang theo các loại quả hạt khô và thức ăn vặt bổ dưỡng được chuẩn bị sẵn ở nhà để tránh tình trạng mua thức ăn vặt kém lành mạnh.

Lưu ý không ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều gia vị, dầu mỡ (như bánh pizza, mì trộn, khoai tây chiên…) để hạn chế các vấn đề tiêu hóa, tiêu chảy, dư axit và đầy bụng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch rửa tay để loại bỏ vi khuẩn. Ảnh: Freepik.

Đừng quên rửa tay

Rửa tay thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để loại bỏ vi khuẩn, tránh các bệnh truyền nhiễm và ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn sang người khác. Bạn nên rửa tay với xà phòng và nước hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn.

Tránh bị côn trùng cắn

Sử dụng thuốc bôi chống côn trùng để tránh bị côn trùng cắn. Các loại côn trùng, bao gồm muỗi, bọ ve, bọ chét và ruồi, có thể lây lan các bệnh như sốt rét, sốt vàng da, sốt xuất huyết… Những loại côn trùng này thường hoạt động mạnh hơn khi thời tiết ẩm ướt.

Vy Linh