Thời kỳ mới của quan hệ Việt Nam – Campuchia (kỳ 4)

Thời kỳ mới của quan hệ Việt Nam – Campuchia (kỳ 4)

Thành quả của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện

Ngày 18-2-1979, tại Phnom Penh, Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hai bên cam kết hết lòng ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau bằng mọi hình thức nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân mỗi nước. Thực hiện hiệp ước, trong 10 năm tiếp theo (từ 1979 – 1989), Việt Nam đã tiếp tục giúp Campuchia vừa xây dựng lực lượng, vừa phối hợp truy quét tàn quân Pol Pot, đồng thời xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, hồi phục đời sống trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao thông vận tải, y tế, chăm lo đời sống nhân dân.

Chuỗi cửa hàng Bluetronics của Thế Giới Di Động tại Campuchia

Năm 1993, Vương quốc Campuchia tái lập, mối quan hệ giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới với tinh thần láng giềng bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và vì lợi ích chung của nhân dân hai nước. Kể từ năm 2005, lãnh đạo hai nước thống nhất đề ra phương châm mới trong phát triển quan hệ song phương theo tinh thần “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Gần 20 năm qua, quan hệ hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Cả hai đảng cầm quyền hiện nay là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đều ủng hộ lẫn nhau, tôn trọng nguyên tắc nêu trong các Tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia: Bảo vệ và gìn giữ, phát triển mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”; cùng cam kết trách nhiệm bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Sự ủng hộ về chính trị ngoại giao là cơ sở để hai nước tin cậy lẫn nhau, triển khai thuận lợi tất cả các kênh (Đảng, Nhà nước, nhân dân), các lĩnh vực hợp tác khác.

Trong bối cảnh đó, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Campuchia được tăng cường, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hai nước. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện làm cơ sở cho việc phát triển hợp tác toàn diện; thường xuyên tiến hành các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp thông qua các hình thức linh hoạt, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19. Các cơ chế hợp tác song phương, nhất là các cơ chế quan trọng như Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật; Hội nghị Hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia… tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực. Thương mại hai chiều đã có bước tiến lớn, tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2015 – 2022 và vượt 10 tỷ USD vào năm 2022.

Tính đến năm 2023, có 206 dự án đầu tư Việt Nam tại Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng thứ hai trong 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận nguồn vốn đầu tư của Việt Nam, dẫn đầu khu vực thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam cũng nằm trong top 5 quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp cao nhất vào Campuchia. Trong 9 tháng đầu năm 2023, hơn 640 nghìn lượt khách Việt Nam thăm Campuchia và khoảng 250 nghìn lượt khách Campuchia sang Việt Nam.

Cùng phối hợp hiện thực hóa tầm nhìn tương lai

Thành tựu của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia là cơ sở để hai nước tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ, cùng phối hợp hiện thực hóa tầm nhìn của từng nước trong tương lai. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác quan trọng giữa Chính phủ hai nước, trong đó có cơ chế Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật và Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới; tăng cường kết nối, giao lưu giữa thanh niên và lãnh đạo trẻ hai nước.

Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Việt Nam và Campuchia nhất trí hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; tăng cường kết nối hai nền kinh tế, cả kết nối về hạ tầng cơ sở và kết nối về thể chế chính sách; đẩy mạnh thương mại song phương, đặc biệt là thương mại biên giới và hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên; phấn đấu đạt mốc kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong thời gian tới; nhất trí khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước.

Trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, hai nước nhất trí tiếp tục phát huy hai lĩnh vực trụ cột quan trọng này nhằm góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở mỗi nước; kiên định nguyên tắc không cho phép bất cứ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ nước này để chống lại nước kia; tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng và Bộ Công an/Nội vụ hai nước; phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý biên giới, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên biên giới và cùng nhau hợp tác đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia cấp Bộ trưởng Quốc phòng lần thứ nhất.

Về hợp tác biên giới, lãnh đạo hai nước nhất trí tiếp tục phối hợp, thúc đẩy việc giải quyết các khu vực thuộc 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc; không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các lực lượng chức năng và địa phương giáp biên giới hai nước. Hai bên cũng nhất trí tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ của hai nước; đẩy mạnh hợp tác nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng cường kết nối giao thông, trong đó có kết nối đường cao tốc và tăng tần suất các chuyến bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước; phối hợp với Lào đẩy mạnh các gói du lịch “Một hành trình ba điểm đến”.

Campuchia đã đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030, đạt mức thu nhập cao vào năm 2050. Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người người xấp xỉ 4.859 USD, tính theo giá năm 2017) và năm 2045, trở thành nước có thu nhập cao (GDP bình quân đầu người người xấp xỉ 12.642 USD, tính theo giá năm 2017). Những lĩnh vực hợp tác mà lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận sẽ làm sâu sắc và hiệu quả hơn hợp tác giữa hai nước, góp phần giúp Việt Nam và Campuchia thực hiện thành công các mục tiêu mà mình đề ra.