Trung Quốc nỗ lực sửa sai sau trái đắng với chính sách một con

Trung Quốc nỗ lực sửa sai sau trái đắng với chính sách một con

Sau khi chấm dứt chính sách một con khét tiếng vào năm 2015, chính phủ Trung Quốc tìm nhiều cách để khuyến khích sinh nở. Ảnh: Carlos Barria/Reuters.

Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, cơ quan thực hiện các biện pháp dân số và sinh sản của chính phủ, sẽ khởi động các dự án khuyến khích phụ nữ kết hôn và sinh con, Global Times đưa tin hôm 15/5.

Thúc đẩy kết hôn và sinh con ở độ tuổi phù hợp, khuyến khích cha mẹ chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái, hạn chế nạn “hét giá cô dâu” cùng những phong tục lạc hậu khác là trọng tâm của các dự án.

Những thành phố được đưa vào thí điểm bao gồm trung tâm sản xuất Quảng Châu và Hàm Đan ở tỉnh Hà Bắc. Năm 2022, Hiệp hội đã triển khai các dự án tại 20 thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh.

“Xã hội cần hướng dẫn giới trẻ nhiều hơn về khái niệm hôn nhân và sinh con”, nhà nhân khẩu học He Yafu nói.

Các dự án được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt biện pháp mà nhiều tỉnh của Trung Quốc đang triển khai nhằm khuyến khích người dân sinh con, bao gồm ưu đãi thuế, trợ cấp nhà ở và giáo dục miễn phí hoặc trợ cấp khi sinh con thứ 3.

Tình trạng ngày càng nhiều người dân từ chối kết hôn, sinh con khiến kế hoạch thúc đẩy tỷ lệ sinh, trẻ hóa dân số của chính phủ Trung Quốc lâm vào bế tắc. Ảnh: Xinhua.

Trung Quốc thực hiện chính sách một con cứng rắn từ năm 1980 cho đến năm 2015. Đây là gốc rễ của nhiều thách thức về nhân khẩu học khiến Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Giới hạn sinh con kể từ đó được nâng lên thành 3 đứa trẻ.

Lo ngại về sự sụt giảm dân số lần đầu tiên trong 6 thập kỷ của Trung Quốc và tình trạng già hóa nhanh chóng, các cố vấn chính trị của chính phủ đề xuất vào tháng 3 rằng phụ nữ độc thân và chưa kết hôn nên được tiếp cận với phương pháp đông lạnh trứng, điều trị thụ tinh trong ống nghiệm cùng các dịch vụ khác để tăng tỷ lệ sinh của đất nước.

Nhiều phụ nữ trì hoãn việc sinh thêm con hoặc lựa chọn không sinh con do chi phí chăm sóc con cái cao và khiến họ phải tạm dừng sự nghiệp. Trong đó, sự phân biệt giới tính vẫn là trở ngại chính.

Thiên Nhi