Viêm khớp gối do nguyên nhân gì và cách điều trị

Viêm khớp gối do nguyên nhân gì và cách điều trị

Nhiều người cho rằng tuổi cao thì tình trạng viêm khớp gối mới xảy ra, tuy nhiên thực tế có nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm khớp gối.

Nguyên nhân viêm khớp gối

Phải thừa nhận rằng, khi tuổi cao, xương khớp cũng chịu nhiều tác động từ sự lão hóa. Hậu quả là sụn khớp có thể bị bào mòn theo thời gian, dẫn đến tình trạng viêm đau khó chịu.

Một trong những vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất chính là đầu gối, vì đảm nhận nhiệm vụ giúp cơ thể di chuyển. Do vậy, đầu gối dễ bị tổn thương, viêm gối xảy ra ở nhiều người có tuổi.

Ngoài ra, viêm khớp gối còn xảy khi chấn thương đầu gối. Ở những người từng bị chấn thương đầu gối như rách sụn chêm, rách dây chằng, gãy xương bánh chè,… nguy cơ bị viêm đau khớp gối thường cao hơn bình thường. Lý do là vì dù tổn thương đã hồi phục nhưng vẫn có thể để lại di chứng ảnh hưởng đến khớp và viêm khớp có thể xảy ra.

Chấn thương đầu gối như rách sụn chêm, rách dây chằng, gãy xương bánh chè,… nguy cơ bị viêm đau khớp gối.

Thói quen và lối sống không khoa học cũng xảy ra viêm khớp gối. Những người ít vận động, hút thuốc lá thường xuyên hoặc ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin,… rất dễ bị viêm khớp gối. Thói quen và lối sống có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến xương khớp.

Cân nặng dư thừa cũng ảnh hưởng đến tình trạng viêm khớp gối. Bởi khi cơ thể bị thừa cân, béo phì, trọng lực đè nén lên hệ thống xương khớp, nhất là khớp gối sẽ gia tăng thêm đáng kể. Nếu tình trạng này kéo dài không cải thiện, lại kết hợp với yếu tố ít vận động, nguy cơ xảy ra viêm đau khớp gối là rất cao.

Các bệnh lý tự miễn cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm khớp gối. Hệ miễn dịch của con người đảm nhận nhiệm vụ tiêu diệt vi khuẩn, virus khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Nhưng, nếu mắc phải các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, hệ miễn dịch có thế “tấn công” ngược lại niêm mạc và mô sụn khớp. Điều này có thế dẫn đến tình trạng viêm cục bộ cho xương, sụn đệm, gân cơ và dây chằng.

Các cơn đau nhức do viêm khớp gối thường xảy ra rất âm ỉ nó kéo dài nhiều giờ đồng hồ.

Dấu hiệu của viêm khớp gối

Tùy thuộc mức độ viêm khớp gối mà bệnh có biểu hiện khác nhau. Ở giai đoạn sớm viêm khớp gối chưa gây ra các triệu chứng đặc trưng, thường người bệnh có thể phát hiện ra khi tiến hành chụp X-quang. Lúc này, trên phim X-quang sẽ thấy được phần sụn khớp bị tổn thương nhẹ và đầu gối có xuất hiện các gai xương nhỏ.

Ở giai đoạn viêm nhẹ có nhiều gai xương hơn biểu hiện của bệnh thường chỉ xuất hiện thoáng qua nên người bệnh thường chủ quan. Khi bệnh đã bước sang giai đoạn nặng hơn các tổn thương có thể ảnh hưởng đến vận động của người bệnh và cảm thấy đau nhức rất khó chịu. Thậm chí làm khớp bị sưng phồng lên, người bệnh dùng tay có thể cảm nhận được sự ấm nóng xung quanh khớp sưng.

Giai đoạn tiếp theo người bệnh cảm thấy cứng khớp gối và rõ nhất sau khi nghỉ ngơi thời gian dài hay sau khi thức dậy vào buổi sáng. Người bệnh nên xoa bóp nhẹ nhàng tại khớp gối để có thể vận động bình thường trở lại.

Nặng hơn là người bệnh không thể di chuyển được trong suốt 10 – 30 phút, phải liên tục dùng tay xoa bóp thì các cơ mới dần giãn ra. Mỗi khi co đầu gối hay duỗi thẳng chân ra sẽ đều nghe thấy tiếng kêu răng rắc, lụp cụp.

Các cơn đau nhức do viêm khớp gối thường xảy ra rất âm ỉ nó kéo dài nhiều giờ đồng hồ thậm chí có thể gặp tình trạng mất ngủ chỉ vì những cơn đau này. Khi bệnh tình dần chuyển biến xấu hơn bạn nên đến bác sĩ để được hỗ trợ ngay chứ không thể nào mà cứ để như thế vậy được.

Cách điều trị bệnh viêm khớp gối

Mục tiêu chính của việc điều trị viêm khớp gối đó là giảm đau nhức cũng như hồi phục chức năng của phần khớp gối khiến cho người bệnh dễ dàng vận động hơn. Thông thường tùy từng vào tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp.

Có thể chỉ định các loại thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAID) và Paracetamol. Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh chuyển nặng hơn và bước vào giai đoạn thuốc không còn có tác dụng nữa thì bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật để gia tăng khả năng đi lại ở tỷ lệ cao hơn. Các loại hình phẫu thuật được áp dụng có thể là thay khớp gối nhân tạo, phẫu thuật loại bỏ xương khớp gối và phẫu thuật nội soi.

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ người bệnh cần phải tập thể dục như đi bộ, tập yoga và phối hợp với việc điều khiển nhịp thở để cơ thể có thể khỏe mạnh hơn. Tăng cường tập những bài tập để gia tăng sức chịu đựng của các khớp gối nhằm giúp ổn định cấu trúc xương và giảm đau hiệu quả.

Giảm cân, kiểm soát cân nặng là một việc làm hết sức cần thiết vì nó sẽ giảm thiểu khả năng mắc các bệnh lý nghiêm trọng đối với cơ thể . Hơn nữa khớp gối cũng sẽ không còn chịu lực nặng nề do trọng lượng mỡ đem lại.

Các bác sĩ cũng có thể khuyến cáo cho người bệnh dùng thực phẩm chức năng bổ sung canxi, vitamin D… và ăn nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D để giúp xương thêm chắc khỏe.

Ths. BS. Nguyễn Xuân Hòa