Hệ thống David’s Sling mà Phần Lan muốn mua có ‘xịn’ hơn hệ thống S-400 của Nga?

Hệ thống David’s Sling mà Phần Lan muốn mua có ‘xịn’ hơn hệ thống S-400 của Nga?

Hôm 4-4, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), giúp tăng gấp đôi chiều dài đường biên giới giữa khối này với Nga. Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga.

Chỉ một ngày sau khi gia nhập NATO, Phần Lan thông báo sẽ mua hệ thống phòng không tầm xa David’s Sling do Mỹ và Israel sản xuất với chi phí 345 triệu USD.

Phần Lan mua hệ thống David’s Sling do lo ngại Nga?

“Việc mua sắm này sẽ tạo ra khả năng mới cho Lực lượng phòng vệ Phần Lan trong việc đánh chặn các mục tiêu ở độ cao lớn. Đồng thời, chúng tôi cũng đang tiếp tục nâng cao năng lực quốc phòng của Phần Lan trong môi trường an ninh mới” – Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen nói.

Hệ thống phòng không tầm xa David’s Sling. Ảnh: WIKIPEDIA

Nga đã gia tăng đáng kể các hoạt động quân sự dọc biên giới với Phần Lan, điều này có thể giải thích cho quyết định mua hệ thống phòng không tiên tiến David’s Sling của Phần Lan. Hiện tại, duy chỉ có Lực lượng phòng vệ Israel vận hành hệ thống David’s Sling và việc Phần Lan mua hệ thống này sẽ phải được Mỹ chấp thuận trước tiên.

Đáng chú ý, Ukraine – bị tên lửa và máy bay không người lái của Nga tấn công – cũng đã yêu cầu Israel cung cấp hệ thống David’s Sling cho nước này. Tuy nhiên, Israel đã từ chối cung cấp do nước này có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Nga.

Về phần mình, Nga tuyên bố tăng cường tiềm lực quân sự dọc biên giới với Phần Lan. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nhấn mạnh: “Trong trường hợp các lực lượng và khí tài của các nước thành viên NATO khác được triển khai ở Phần Lan, chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi bổ sung để đảm bảo an ninh quân sự của Nga một cách đáng tin cậy”.

Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo nước này đang thực hiện các biện pháp đối phó thích hợp. Trong khi đó, Phần Lan đã bắt đầu xây dựng hàng rào ở biên giới với Nga hồi tháng 2.

Sau khi Phần Lan chính thức gia nhập NATO, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov cảnh báo Nga sẽ theo dõi sát sao những gì diễn ra tại Phần Lan, đồng thời cho rằng sự mở rộng của NATO là vi phạm an ninh và lợi ích quốc gia của Nga.

Cũng thật thú vị khi có thể đem ra so sánh hệ thống phòng không David’s Sling mà Phần Lan nhắm tới với hệ thống phòng không S-400 mà quân đội Nga đã triển khai rộng rãi trên chiến trường Ukraine.

David’s Sling và S-400

Năm ngoái, Nga cũng được cho đã di chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M tiến sát biên giới Phần Lan. Trên thực tế, năm 2016, Nga cũng đã di chuyển hai hệ thống phòng không S-400 sát Phần Lan.

Phần Lan ra quyết định mua hệ thống David’s Sling xuất phát từ mối đe dọa Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào nước láng giềng Ukraine.

Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: The EurAsian Times

Hệ thống David’s Sling có thể đánh chặn rocket và tên lửa ở độ cao 15 km trong phạm vi 40 km – 300 km. Theo nhà sản xuất, một bệ phóng David’s Sling có thể mang 12 tên lửa đánh chặn và được bắn từ vị trí gần như thẳng đứng.

Trong khi đó, hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể tiêu diệt tất cả mục tiêu trên không, bao gồm máy bay, máy bay không người lái (UAV), tên lửa đạn đạn và tên lửa hành trình trong phạm vi 400 km ở độ cao lên tới 30 km. Vì thế, tầm bắn của hệ thống Nga vượt xa tầm bắn của hệ thống David’s Sling.

Theo công ty quốc phòng Rafael đồng phát triển David’s Sling, tên lửa của hệ thống này có thiết bị tìm kiếm hồng ngoại và radar chủ động. Công nghệ tìm kiếm chế độ kép này làm tăng độ tin cậy của tên lửa trong việc đánh chặn nhiều mục tiêu khác nhau từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho tới tên lửa hành trình tàng hình, đồng thời khiến nó khó bị gây nhiễu hoặc bị đánh lừa.

Bên cạnh đó, một liên kết dữ liệu đóng vai trò là một loại “chế độ thứ ba” và cung cấp thông tin nhắm mục tiêu từ cảm biến bên ngoài, đặc biệt là radar mảng pha quét điện tử đa năng Elta ELM-2084 3D.

Ngược lại, hệ thống S-400 của Nga sử dụng bốn loại tên lửa khác nhau có tầm bắn và vai trò khác nhau, tạo nên một lớp phòng thủ nhiều lớp. Một trong những tên lửa đó là 40N6, có tầm bắn 400 km và sử dụng radar chủ động dẫn đường để đánh chặn các mục tiêu trên không ở khoảng cách rất xa. Tên lửa 40N6 được dùng để chống lại hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS), hệ thống radar giám sát mục tiêu tấn công liên quân (J-STARS), máy bay gây nhiễu EA-6B cùng các mục tiêu có giá trị khác thuộc NATO.

Radar điều khiển hỏa lực 92N6E của S-400 lắp trên khung xe tải chuyên dụng MZKT-7930 8×8. Tuy nhiên, khi được triển khai tự động, phương tiện này có thể mang radar giám sát và theo dõi 96L6 Cheese Board 3D. Radar kiểm soát và thu nhận mục tiêu 91N6E Big Bird cũng được lắp trên xe tải MZKT-7930 8×8. Với tầm bắn 600 km, radar 91N6E Big Bird có thể phát hiện và theo dõi máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa dẫn đường, UAV và tên lửa đạn đạo.

Với tất cả những ưu điểm của mình, hệ thống David’s Sling sẽ bổ sung vào hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa đa tầng hiện nay của Phần Lan. Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến Na Uy (NASAMS), hệ thống phòng không tầm ngắn tiên tiến (ASRAD-R), hệ thống phòng không vác vai RBS 70 và máy bay chiến đấu đa nhiệm F/A-18 Hornet tạo nên hệ sinh thái phòng không hiện tại của Phần Lan.

Một khi được triển khai ở Phần Lan, hệ thống David’s Sling sẽ giúp NATO có thêm một tuyến phòng không và phòng thủ tên lửa chống lại Nga. Về phần mình, Mỹ khó có khả năng cản trở Phần Lan mua hệ thống này do nước này không ngừng trang bị vũ khí cho các quốc gia Đông Âu nhằm xây dựng khả năng răn đe.

TRI TÚC