Lạng Sơn tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Lạng Sơn tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Địa phương đang tăng cường khoanh vùng, chủ động phòng ngừa, dập dịch và hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại để bảo vệ đàn lợn.

Cán bộ y tế phun khử khuẩn ổ dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn

Huyện Lộc Bình hiện là địa phương có số ổ dịch tả lợn Châu Phi cao nhất tại tỉnh Lạng Sơn với hơn 500 con lợn nhiễm bệnh. Để khống chế dịch bệnh, địa phương đã thành lập Đoàn công tác tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn nuôi mắc bệnh, thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực phát sinh ổ dịch; Chỉ đạo đội ngũ nhân viên thú y tăng cường giám sát dịch bệnh, phát hiện nhanh, chính xác các ổ dịch, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bao vây ổ dịch không để lây lan ra diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, giết mổ, vứt xác lợn bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan…

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó trưởng Phòng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị chỉ đạo tổ chức khoanh vùng dịch, xác định vùng dịch để giám sát chặt chẽ tổng đàn lợn trên địa bàn để có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

“Huyện cũng hướng dẫn, hỗ trợ các hộ tiêu hủy lợn, phun thuốc sát trùng, rắc vôi xung quanh chuồng trại, đốt rác thải và ủ phân có trộn vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp tái đàn và chăn nuôi lợn sinh học, từ đó nhân rộng mô hình này để an toàn dịch bệnh, phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi của người dân”, ông Thịnh cho hay.

Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các hộ chăn nuôi cần phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống bệnh dịch, tuyệt đối không được chủ quan hay “giấu” bệnh dịch

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu Sở NN&PTNT thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến dịch bệnh để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả; Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc…

Đối với các huyện đã phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp khống chế dịch bệnh gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đối với các địa phương chưa phát sinh ổ dịch, cần cường công tác thông tin, tuyên truyền và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng, phòng bệnh…

Duy Thái/VOV-Đông Bắc