Tin thế giới 30/5: Nga ra tuyên bố về vụ tấn công Moscow, Kiev tìm đến một quốc gia châu Á; Trung Quốc ‘nhắn nhủ’ Mỹ nên chân thành

Tin thế giới 30/5: Nga ra tuyên bố về vụ tấn công Moscow, Kiev tìm đến một quốc gia châu Á; Trung Quốc ‘nhắn nhủ’ Mỹ nên chân thành

Bắc Kinh khước từ đề nghị của Washington về việc tổ chức cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Singapore. (Nguồn: Getty Images, AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Thủ đô của Nga và Ukraine bị UAV tấn công, Kiev phủ nhận dính líu trực tiếp: Rạng sáng ngày 30/5, cả hai thủ đô Moscow của Nga và Kiev của Ukraine đều hứng chịu các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV).

Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công 8 UAV vào các mục tiêu ở Moscow khiến một số tòa nhà bị hư hại, song tất cả các thiết bị này đều bị bắn hạ.

Tuy nhiên, Cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Ukraine phủ nhận việc nước này can dự trực tiếp vào vụ tấn công, song nhấn mạnh, Kiev “rất vui khi chứng kiến và dự đoán số lượng các cuộc tấn công sẽ gia tăng”.

Trong khi đó, chính quyền thủ đô Kiev của Ukraine thông báo, lực lượng phòng không nước này đã phá hủy hơn 20 UAV trong đợt không kích sáng sớm 30/5.

Kiev coi đây là một cuộc tấn công quy mô lớn được triển khai thành nhiều đợt, trong đó Nga chỉ sử dụng UAV Shahed do Iran chế tạo. Đây là đợt tấn công thứ 3 vào Kiev trong 24 giờ qua và là đợt không kích thứ 17 từ đầu tháng. (Reuters, AFP, TASS)

* Điện Kremlin ra tuyên bố về vụ tấn công Moscow: Ngày 30/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, cuộc tấn công UAV nhằm vào thủ đô Moscow và vùng lân cận khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho đến khi đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Theo ông, vụ tấn công chưa từng có tiền lệ này là sự “đáp trả” của Kiev trước đợt tấn công “rất hiệu quả” gần đây của Nga ở Ukraine.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Andrey Kartapolov cho rằng, cuộc tấn công UAV trên là hành động đe dọa và không được để người dân hoang mang.

Ông Kartapolov yêu cầu phân tích tất cả dữ liệu về vụ việc để xác định nơi UAV được phóng đi, bởi điều này sẽ cho phép đưa ra các biện pháp đối phó. (TASS)

* Tổng thống Ukraine hối thúc Hàn Quốc cung cấp hệ thống phòng thủ: Trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo Chosun Ilbo đăng ngày 30/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ biết ơn đối với cam kết của Hàn Quốc chuyển phương tiện rà phá mìn và viện trợ nhân đạo tổng trị giá khoảng 230 triệu USD.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo nhấn mạnh, Kiev cũng muốn Seoul cung cấp các hệ thống phòng không và cảnh báo sớm.

Ông nói: “Tôi biết có những giới hạn trong việc cung cấp vũ khí, nhưng không nên áp dụng nguyên tắc đó đối với các hệ thống và thiết bị phòng thủ để bảo vệ tài sản của chúng tôi. Chúng tôi phải có một lá chắn bảo vệ bầu trời để tái thiết Ukraine và tôi rất hy vọng Hàn Quốc sẽ hỗ trợ chúng tôi trong lĩnh vực này”.

Tổng thống Zelensky khẳng định, hệ thống cảnh báo sớm của Hàn Quốc sẽ giúp bảo vệ Ukraine trước các cuộc không kích của Nga. (Reuters)

* Theo Đại diện cấp cao về chính sánh an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 29/5, Nga sẽ chỉ sẵn sàng đàm phán nếu thắng trong chiến dịch ở Ukraine.

Bày tỏ “không lạc quan” về những gì có thể xảy ra trong cuộc xung đột ở Ukraine vào mùa Hè này, nhà ngoại giao khẳng định, ông nhìn rõ “ý định của Nga là giành chiến thắng”. (Reuters)

* Cố vấn Tổng thống Ukraine đề xuất thiết lập khu phi quân sự trong vùng lãnh thổ của Nga: Ngày 29/5, Cố vấn Mykhailo Podolya của Tổng thống Ukraine cho rằng, nên thiết lập một khu phi quân sự có chiều dài từ 100-120 km bên trong đất nước Nga, dọc theo biên giới với Ukraine.

Ông Podolya cho hay, khu phi quân sự này sẽ trải dài trên lãnh thổ của các vùng Belgorod, Bryansk, Kursk và Rostov của Nga.

Theo quan chức trên, khu phi quân sự sẽ là một phần của thỏa thuận sau xung đột, rất cần thiết để bảo vệ các vùng của Ukraine khỏi bị pháo kích, tránh tái diễn đụng độ trong tương lai” và đảm bảo an toàn cho cư dân ở một số khu vực tiền tuyến của Ukraine. (Reuters)

Serbia-Kosovo

* Căng thẳng leo thang ở Kosovo: Những ngày qua, người Serbia – chiếm đa số ở một số địa phương phía Bắc Kosovo – đụng độ với cảnh sát để phản đối các thị trưởng mới người Albania hôm 26/5, thậm chí khiến 25 binh lính gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bị thương.

Trước tình hình đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã đặt quân đội nước này trong tình trạng báo động chiến đấu đầy đủ và ra lệnh cho các đơn vị di chuyển đến gần biên giới với Kosovo.

Ông Vucic cũng lên kế hoạch gặp các đại sứ Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Phần Lan và người đứng đầu văn phòng của EU tại Serbia để thảo luận về vụ việc.

Trong khi đó, NATO, EU và hàng loạt quốc gia như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, cũng như chỉ trích động thái của chính quyền Kosovo khiến căng thẳng gia tăng, ảnh hưởng đến tiến trình bình thường hóa quan hệ Kosovo-Serbia.

Mới đây nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, Bắc Kinh rất quan tâm tới các diễn biến liên quan, đồng thời khẳng định ủng hộ các nỗ lực của Serbia bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. (Reuters, Sputnik)

* Serbia nêu điều kiện duy trì hòa bình với Kosovo: Ngày 30/5, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic kêu gọi các đại sứ của năm quốc gia phương Tây bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Italy cùng người đứng đầu phái bộ EU tại Serbia gây ảnh hưởng để Kosovo triệu hồi các thị trưởng người Albania và rút cảnh sát về.

Trên trang cá nhân, ông Vucic cho biết: “Tôi… lưu ý rằng các bước đi đơn phương của Pristina dẫn đến bạo lực chống lại người Serbia, đẩy chúng ta rời xa hòa bình và sự ổn định trong khu vực”.

Theo nhà lãnh đạo, việc “triệu hồi khẩn cấp các thị trưởng sai lầm và rút cái gọi là lực lượng cảnh sát đặc nhiệm của Kosovo là điều kiện để duy trì hòa bình ở đây”. (Sputnik)

Mỹ-Trung Quốc

* Khuyên Mỹ nên “chân thành”, Trung Quốc từ chối đề nghị của Washington tổ chức cuộc gặp các Bộ trưởng Quốc phòng bên lề diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La tại Singapore, theo thông tin từ Lầu Năm Góc ngày 29/5.

Hồi đầu tháng 5, Mỹ đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Singapore, song mới đây, Washington đã nhận được lời từ chối.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết: “Việc Trung Quốc không sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận có ý nghĩa giữa quân đội hai nước sẽ không làm giảm cam kết của Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc tìm kiếm các đường dây liên lạc cởi mở với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc”.

Trong khi đó, ngày 30/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng, Mỹ nên “thể hiện sự chân thành và thực hiện các bước thiết thực để tạo điều kiện cần thiết cho cuộc đối thoại và tương tác giữa quân đội hai nước”.

Ông Lý Thượng Phúc đã bị chính quyền Mỹ trừng phạt vào năm 2018 vì mua vũ khí của Nga, song Lầu Năm Góc nói rằng, điều đó không ngăn cản ông Austin tiến hành giao thiệp chính thức với ông Lý Thượng Phúc.(AFP, Straits Times, Sputnik)

* Trung Quốc “lấy làm tiếc” việc Mỹ cấm hợp tác về hàng không vũ trụ giữa hai nước, theo hãng tin AP.

Phát biểu chiều 29/5 tại Tửu Tuyền (Trung Quốc), Giám đốc công nghệ của cơ quan chuyến bay vũ trụ có người lái Trung Quốc Li Yingliang cho biết, Bắc Kinh hy vọng có nhiều sự hợp tác quốc tế hơn, bao gồm cả với Washington trong lĩnh vực trên.

Bên cạnh đó, AP đưa tin, Chương trình vũ trụ đang phát triển của Trung Quốc có kế hoạch đưa các phi hành gia lên Mặt trăng trước năm 2030 và mở rộng trạm vũ trụ trên quỹ đạo của nước này.

* Trung Quốc phóng tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-16 trong ngày 30/5, đưa 3 phi hành gia đến tổ hợp trạm vũ trụ của nước này trong một nhiệm vụ kéo dài 5 tháng.

Tên lửa đẩy Trường Chinh-2F mang theo tàu vũ trụ được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc. Các phi hành gia sẽ tiến hành các thử nghiệm trên quỹ đạo quy mô lớn cũng như thực nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau theo kế hoạch. (THX)

Bán đảo Triều Tiên

* Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên vào tháng 6 để chống lại “các hành động quân sự” của Mỹ, theo thông tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 30/5.

Trước thông báo này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, bất kỳ vụ phóng vệ tinh nào của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo đều sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Bình Nhưỡng thử tên lửa tầm xa.

Mỹ cũng kêu gọi Triều Tiên “kiềm chế không có thêm các hoạt động trái pháp luật, đồng thời thực hiện chính sách ngoại giao nghiêm túc và bền vững”.

Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc Han Sung-keun cho biết, giới chức tình báo nước này và Mỹ đang theo dõi sát những hành động của Triều Tiên liên quan kế hoạch phóng vệ tinh trên.

Về phía Tokyo, Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa cho biết, việc Bình Nhưỡng sử dụng tên lửa đạn đạo được cho là dùng để phóng vệ tinh là một động thái đe dọa nghiêm trọng an ninh của Nhật Bản, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc cũng như các quốc gia khác, bao gồm phản ứng của Hội đồng Bảo an để đối phó với động thái này của phía Bình Nhưỡng.

Tokyo cũng đang cùng Seoul và Washington hợp tác chặt chẽ để đảm bảo sẽ có một phản ứng “thống nhất, nghiêm khắc” từ cộng đồng quốc tế nếu Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng.

Cũng trong ngày 30/5, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tham vấn song phương về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân đầu tiên trong vòng 5 năm qua, trong đó bày tỏ quan ngại về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên cũng như hối thúc Bình Nhưỡng hủy kế hoạch. (Yonhap)

* Mỹ sẽ tăng cường hiện diện hơn nữa các khí tài chiến lược trên bán đảo Triều Tiên: Ngày 30/5, Tư lệnh Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) Paul LaCamera tái khẳng định cam kết của Washington trong việc bảo vệ đồng minh Seoul.

Ông cũng bác bỏ những lo ngại rằng, Washington có thể đánh đổi cam kết an ninh với Seoul để bảo vệ các thành phố của Mỹ trong tình huống bất ngờ, khẳng định: “Đừng nghi ngờ về cam kết không lay chuyển của chúng tôi”.

Tướng LaCamera đồng thời cho biết thêm, Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa sự hiện diện của các khí tài chiến lược trên bán đảo Triều Tiên như đã nêu trong Tuyên bố Washington.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh và sự hợp tác với các quốc gia khác ngoài liên minh, viện dẫn những nỗ lực gần đây về hợp tác an ninh giữa các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. (Yonhap)

Châu Mỹ

* Venezuela-Brazil mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ: Ngày 29/5, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro có cuộc hội đàm với người đồng cấp Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tại thủ đô Brasilia.

Trong cuộc gặp, ông Maduro khẳng định, quan hệ giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục được củng cố bền chặt trên tất cả các lĩnh vực, qua đó mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương cũng như cùng nhau xây dựng một khu vực Nam Mỹ hòa bình và thịnh vượng.

Theo Tổng thống Venezuela, hai nước cần thiết lập một cơ chế chung để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, kinh tế, nông nghiệp và giao lưu nhân dân, đồng thời đẩy mạnh các cuộc đối thoại thẳng thắn và lâu dài giữa Venezuela, Brazil và chính phủ các quốc gia khác tại Nam Mỹ.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo cho biết, Venezuela muốn trở thành một phần của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), hiện gồm Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi. (Reuters)

* Hội nghị thượng đỉnh Nam Mỹ: Ngày 30/5, nguyên thủ của các quốc gia Nam Mỹ đã có mặt tại thủ đô Brasilia của Brazil để tham dự Hội nghị thượng đỉnh khu vực theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Lula da Silva.

Đây là hội nghị thượng đỉnh Nam Mỹ đầu tiên trong gần một thập niên qua, với sự tham gia của các lãnh đạo 12 quốc gia Nam Mỹ, trừ Peru, với mục đích thảo luận cách phối hợp chống biến đổi khí hậu và lạm phát tăng cao trong khu vực, nơi nạn đói nghèo đang gia tăng.

Tổng thống Lula da Silva cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ không tái lập Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (Unasur) mới, nhưng sẽ đưa ra một định dạng khác, với ý tưởng chính là “một khối phối hợp với nhau về các vấn đề kinh tế, đầu tư và môi trường”.

Theo ông, các nước “cần học cách nói chuyện với nhau”. (TTXVN)

Châu Phi

* Tám nước châu Phi cho phép Ukraine mở đại sứ quán, trong đó có 2 nước đang hoàn tất các quy trình, theo lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 30/5.

Phát biểu trên truyền hình, ông Kuleba nói thêm: “Để mở tất cả các đại sứ quán này, chúng tôi vẫn cần thực hiện những thay đổi về ngân sách của Bộ Ngoại giao và chúng tôi đang làm việc về vấn đề này với Thủ tướng để đạt được kết quả cần thiết vào cuối năm nay”.

Hồi tháng 12/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo, Kiev sẽ mở 10 đại sứ quán ở châu Phi. (Sputnik)

* Indonesia hy vọng tăng cường hiện diện ở châu Phi, theo lời ngườiphát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah ngày 29/5 tại lễ kỷ niệm Ngày châu Phi tại Jakart.

Ông Teuku cho biết, châu Phi là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Indonesia và nước này muốn góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế cũng như ủng hộ các nỗ lực của lục địa này hướng tới hòa bình, ổn định và phát triển.

Người phát ngôn trên cho rằng, hai bên cần tăng cường hợp tác thông qua thúc đẩy giao lưu giữa các doanh nhân, doanh nghiệp nhà nước để sự hiện diện của Indonesia tại châu Phi không chỉ trong khía cạnh chính trị và văn hóa xã hội, mà còn cả trên bình diện kinh tế. (TTXVN)

Hoàng Hà