Nỗi đau của người phụ nữ mắc căn bệnh nhiều người không dám đến gần

Nỗi đau của người phụ nữ mắc căn bệnh nhiều người không dám đến gần

Mặc cảm vì căn bệnh mắc phải

Lặn lội hơn 100km lên Hà Nội, bà N.T.S (40 tuổi, quê Hải Dương) tìm gặp bác sĩ trong tình trạng đau đớn với những mảng vảy khắp người, đỏ ửng, bong tróc và mưng mủ, thậm chí 2 mắt chị không thể mở nổi.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà S. cho biết, bà bị vảy nến hơn 10 năm qua, điều trị nhiều nơi, nhưng không đỡ, hơn 3 tháng trước bà S. có dùng các loại thuốc lá do bạn mách, thậm chí tìm hiểu mua thuốc trên mạng.

Cộng với việc dùng thuốc tiêm vào bắp tay (theo giải thích của bác sĩ đó là những thuốc tiêm có thành phần corticoid – là thuốc chống chỉ định điều trị vảy nến), sau 3 lần tiêm, tình trạng bệnh của bà không thuyên giảm mà còn trở nên nặng hơn, chuyển từ vảy nến thể mảng sang vảy thể mủ toàn thân.

“3 tháng trước tình trạng bệnh tăng nặng khiến tôi vô cùng lo lắng, đau đớn thể xác và tinh thần, đôi khi tôi mong mình bị ung thư có khi dễ chịu hơn, 12 năm sống chung với bệnh mãi thế này đau đớn quá”, bà S. tâm sự.

Bà S. chia sẻ với Người Đưa Tin về bệnh tình của mình.

Người phụ nữ 40 tuổi trải lòng, ban đầu bệnh chỉ mọc vài mảng sẩn vẩy nhỏ bằng đầu ngón tay, do chủ quan nên bà cũng không đi thăm khám mà để như vậy trong thời gian dài.

Sau đó, các mảng vảy ngày càng lan rộng, có những mảng rộng bằng bàn tay, bề mặt nhiều vảy dễ bong, bà đi khám ở địa phương và được chẩn đoán vẩy nến thể mảng.

Thời gian qua, nhiều người không có kiến thức về vảy nến, nên khi nhìn thấy bà mắc bệnh thì trở nên xa lánh, kỳ thị khiến bà vô cùng tự ti và mặc cảm với bản thân.

Thậm chí, gia đình chồng cũng lấy lý do đó ruồng bỏ bà. “Mắc bệnh 2 năm, do theo phác đồ điều trị tốn kém nên chồng đã yêu cầu ly hôn với tôi. Hiện những khi bệnh tái nặng có mẹ và em dâu chăm sóc nên cũng giúp tôi bớt đi phần nào tủi thân”, bà S. bộc bạch.

“Không có khả năng lây nhiễm”

Tiếp nhận trường hợp trên, Ths.Bs CKII Nguyễn Tiến Thành – Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh vảy nến thể mảng đã lâu.

Bệnh vảy nến (psoriasis) là một trong những bệnh da mạn tính rất thường gặp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó có cả trẻ em. Bệnh biểu hiện bởi những sẩn, mảng đỏ, bong vẩy trắng ở trên da.

Cơ chế bệnh sinh của bệnh vảy nến vẫn còn chưa được sáng tỏ hoàn toàn, tuy nhiên có thể cho rằng bệnh có liên quan đến yếu tố gen và rối loạn miễn dịch trong cơ thể. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn,nhưng có thể kiểm soát để bệnh ổn định và không bùng phát.

Bệnh nhân S. chưa điều trị đúng cách dẫn đến tình trạng vảy nến ngày càng tăng nặng, đặc biệt do bệnh nhân được sử dụng những thuốc tiêm – Corticoid – là thuốc chống chỉ định điều trị với bệnh nhân vảy nến.

Corticoid có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch. Corticoid đường bôi là một trong những chỉ định đầu tay trong điều trị vảy nến, tuy nhiên, corticoid đường toàn thân (tiêm hoặc uống…) lại là chống chỉ định trong điều trị vảy nến vì gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng lâu dài, đồng thời cũng làm bệnh bùng phát nặng hơn sau khi ngưng sử dụng.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Thăm khám cho bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành sử dụng những thuốc chống viêm, dưỡng ẩm kết hợp với những thuốc đặc trị dành cho vảy nến thể mủ để giảm tình trạng viêm, mưng mủ sau đó sẽ kết hợp với phương pháp điều trị bằng quang trị liệu để giúp bệnh nhân giảm hẳn tình trạng viêm đỏ mủ như hiện tại.

“Sau một tuần điều trị, tình trạng mưng mủ của bệnh nhân đã thuyên giảm, nhưng để điều trị ổn định cần một thời gian dài theo dõi và đưa ra phác đồ phù hợp cho từng giai đoạn”, BS.Tiến Thành chia sẻ.

Cùng với đó, BS.Tiến Thành khuyến cáo: “Nếu người dân có bất thường trên da cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Đặc biệt, đối với bệnh vảy nến, bệnh nhân không nên lo lắng, vì có thể khiến bệnh nặng hơn. Hiện có nhiều phương pháp khống chế, quản lý bệnh này. Bên cạnh đó, người bệnh không nên tự chữa theo phương pháp dân gian, tự mách nhau vì có thể khiến bệnh nặng hơn”.

Theo vị bác sĩ này, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh thuốc nam, thuốc lá không phải phương pháp điều trị bệnh chính thống bệnh vảy nến.

Chưa kể, đắp các loại lá, tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc đi khi thuốc chống chỉ định… dễ làm kích ứng khiến bệnh nhân khó chịu, bùng phát bệnh nặng hơn.

“Đến nay vảy nến được gọi là bệnh mạn tính kéo dài, việc điều trị cần quản lý suốt đời. Đặc biệt vảy nến là bệnh da liễu, xuất hiện tổn thương ngoài da, hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác. Bạn có thể yên tâm tiếp xúc, chăm sóc và sinh hoạt cùng với bệnh nhân mà không sợ bị lây bệnh”, BS. Tiến Thành nhấn mạnh.

Hoàng Thị Bích